Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp Sudieptutroi

 

 Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Góc Phố
Cấp bậc: Quản Lý
Cấp bậc: Quản Lý


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 457
Điểm NHIỆT TÌNH : 1330
Ngày tham gia : 20/01/2011
Job/hobbies : student

Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp Vide
Bài gửiTiêu đề: Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp   Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp EmptyWed Feb 23, 2011 9:52 pm




      Thiếu nữ đánh cờ vây – Phần V

      (Tìm đọc các phần I, II, III, IV trước)



      46

      Hoá trang đã chọn: áo dài bằng vải lanh, mũ cói rộng vành, quạt có điểm một vài nét thư pháp. Nhân vật tôi mang vẻ trang trọng của các quan lại triều đình. Cặp kính làm tôi nom giống các học giả.

      Anh xe tay nhận ra ngay tôi là người từ nơi khác đến và quyết định lừa một mẻ. Đáng ra phải đi thẳng đến quảng trường Thiên Phong, anh ta lại đi một vòng quanh trong các phố.

      Vừa thở hổn hển, anh ta vừa kể chuyện trong vùng. Cách đây bốn trăm năm, các vương hầu khám phá ra vùng rừng núi quanh đây và cho xây các lâu đài tráng lệ. Trong nhiều thế kỷ, họ rất ưa thích mảnh đất đầy thú săn và đàn bà đẹp này. Trước đây chỉ là một làng quê bình thường, Thiên Phong trở thành một thành phố với nghề thủ công và buôn bán phát triển. Thành phố bắt chước thủ đô Bắc Kinh từng tí một, kể cả hình dáng chữ nhật. Sau khi Đế quốc Mãn Châu tan rã, một phần giới quí tộc Bắc Kinh theo Hoàng đế về kinh đô mới. Một số khác về ẩn ở đây. Có thể nhận ra họ trong sự lịch sự bần hàn: áo quần cũ mốt, họ phản đối sự tân kỳ và để móng tay dài. thể hiện sự nhàn rỗi, cạo trọc đầu và giữ bím tóc như thời trước giữ.

      Sau khi đi dọc theo tường thành đẫy dẫy ăn mày, người múa lửa, dạy khỉ, sau khi chỉ cho tôi xem quảng trường trước toà thị chính với các khách sạn cũ kỹ, phu xe cuối cùng dừng lại bên một quảng trường có trồng cây xanh.

      - Đây là quảng trường Thiên Phong.

      Rồi anh ta hỏi với vẻ bí ẩn:

      - Ông cũng chơi à?

      Tôi không trả lời.

      Trong công viên, quanh những chiếc bàn thấp, người chơi đang im lặng đối đầu nhau. Nhìn quần áo cũng biết họ thuộc đủ loại người.

      Nếu tôi chưa đến đây chắc tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra một chốn mà các ván cờ vây lại được bày ra cho người qua lại như thế này. Đối với tôi, cờ vây là thứ chỉ dành cho những người ưu tú, ván cờ vây phải là một nghi thức cử hành trong trang trọng.

      Tuy nhiên hiện tượng này không làm tôi ngạc nhiên. Theo truyền thuyết, người Trung Hoa đã phát minh ra trò chơi phi thường này cách đây bốn nghìn năm. Lịch sử của đất nước này quá dài, nền văn hoá của nó mỏi mòn dần đi và cờ vây cũng mất dần sự tinh tế, sự cao quí lúc ban đầu. Cờ vây thâm nhập Nhật Bản vài trăm năm trước đây, được hoàn chỉnh và suy tư nhiều nên đã trở thành một nghệ thuật tầm cỡ thánh thần. Lại một lần nữa, xứ sở tôi chứng tỏ tính ưu việt của mình đối với Trung Quốc.

      Từ xa tôi thấy có một phụ nữ đang chơi cờ một mình. Ở Nhật, việc một người đàn bà ngồi một mình giữa một nơi chỉ dành cho đàn ông như thế này là điều không thể chấp nhận được. Tôi tò mò tiến lại.

      Cô ta trẻ hơn tôi tưởng và mặc bộ đồng phục học sinh trung học. Cô ngồi tì đầu vào lòng bàn tay và đang chìm đắm trong tư duy. Trên bàn cờ, các quân cờ sắp xếp rất thông minh khiến tôi phải chú ý nhìn kỹ.

      Cô ngẩng đầu lên, trán rộng, mắt một mí như vành lá liễu được vẽ khéo léo trên khuôn mặt. Tôi như nhìn thấy Minh lúc nàng mười sáu tuổi. Ảo tưởng này tan biến ngay. Nàng geisha tập sự có vẻ đẹp rụt rè, cuộn lại trong mình. Cô gái Trung Hoa này nhìn tôi không hề đỏ mặt. Ở xứ tôi, sự tao nhã mang mầu nhợt nhạt và phụ nữ tránh ánh nắng mặt trời. Còn cô bé này thì chắc vì chơi cờ nhiều ngoài trời nên gương mặt mang một vẻ quyến rũ kỳ lạ. Cái nhìn của cô chạm vào mắt tôi trước khi tôi kịp nhìn tránh đi nơi khác.

      Cô mời tôi chơi một ván cờ vây. Tôi tỏ ra khó tính để vai trò mình đóng đạt hơn.

      Trước khi rời tiệm Chiđôri, người cộng sự của đại uý Nakamura đã dạy tôi: từ mười năm trở lại đây, đất nước Nhật Bản đã trở thành mẫu mực cho toàn Châu Á như là một thế giới rất Âu. Tôi chỉ việc tự giới thiệu mình là một sinh viên Trung Quốc đã sống lâu năm tại Tôkyô là đủ để biện minh cho lối đi dáng đứng, giọng nói và sự mù tịt của tôi về một số vấn đề thời sự tại đây.

      Cô gái Trung Hoa không ưa nói chuyện nhiều. Cô ta không đặt cho tôi bất cứ một câu hỏi nào và giục tôi nhanh chóng bắt đầu. Ngay từ nước đi đầu tiên, cô ta xuất quân theo kiểu rất ngông và xấc. Tôi chưa bao giờ chơi cờ vây với phụ nữ. Tôi cũng chưa bao giờ ngồi gần một người đàn bà đến thế, trừ mẹ, em gái, Akikô, các geisha hoặc gái điếm. Dù bàn cờ tạo khoảng cách giữa tôi và cô ta, mùi thơm con gái của cô khiến tôi mất bình tĩnh.

      Cô bé chìm trong suy nghĩ, đầu hơi nghiêng và dường như đang mơ màng. Vẻ dịu dàng trên gương mặt trái ngược hẳn với nét cứng rắn của bàn tay. Cô ta khiến tôi tò mò.

      Cô bao nhiêu tuổi? Mười sáu hay mười bảy? Ngực phẳng và tóc tết thành hai bím, tuổi mới lớn làm các cô gái nom giống các cậu trai giả trang. Tuy nhiên, nữ tính đầu tiên cũng đã lộ ra ở cô như hoa xuyên tuyết báo hiệu mùa xuân đến sớm: cánh tay cô đã bắt đầu tròn trịa.

      Trời tối sớm quá, tôi phải về doanh trại.

      Cô gái mời tôi quay lại chơi tiếp. Một người đàn bà khác mà đề nghị như thế chắc sẽ có vẻ trơ trẽn nhưng thiếu nữ quả rất biết ưu thế của sự ngây thơ.

      Tôi không trả lời. Cô ta xếp quân cờ vào hộp và lắc cho chúng kêu lách cách. Sự ồn ào này là để phản đối lại vẻ bất cần của tôi. Tôi cười thầm. Cô chắc sẽ là người chơi cờ rất giỏi nếu giảm bớt được tính nóng nảy của mình và làm một việc gì đó có tính trí thức.

      - Sáng chủ nhật, mười giờ, cô nói.

      Tôi rất thích sự đeo bám dai dẳng này. Tôi không cưỡng lại được nữa và gật đầu đồng ý.

      Ở Nhật, khi phụ nữ cười, họ giấu mặt mình đằng sau ống tay áo kimônô. Cô gái Trung Hoa cười chẳng lúng túng cũng chẳng kênh kiệu, miệng cô nở xoè ra như một trái lựu.

      Tôi quay mặt đi.

      47

      Nhóm người đi lễ men theo một bức tường bất tận. Đến chỗ tường đổ, họ vào trong khu vườn, ở đó hàng ngàn cây to bao quanh một hồ nước long lanh. Trong một khu đình đổ nát, một đứa bé đang chơi diều.

      Nó láu lỉnh cười với những người đi lễ và chào họ. Nó bảo rằng chiếc diều dự đoán được tương lai. Người nhiều tuổi nhất trong đám hành hương hỏi chú bé:

      - Nó có biết các bác đang đi đâu không?

      Chiếc diều bay lên, hướng về một góc trần rồi lại đổi hướng bay về phía ngược lại. Như một con chim bị mắc bẫy, nó quật cánh vào tường, đâm vào cửa sổ và đột ngột rơi vèo xuống đất.

      - Đi về Bóng tối.

      Tôi thức giấc.

      Sớm nay, Mẫn đuổi theo tôi trên chiếc xe đạp và dúi cho tôi một quyển sách. Tôi lật sách thấy có một bức thư gập làm tư. Anh mời tôi đến nhà Kinh chiều hôm đó nhân dịp sinh nhật lần thứ hai mươi của Kinh. Tôi quyết định sẽ giới thiệu Hương với Kinh và đó sẽ là quà sinh nhật của tôi cho anh.

      Trong vườn nhà Kinh, nhiều sinh viên đang hút thuốc, uống rượu và tranh luận. Con trai quấn khăn phu la trắng trên cổ, tỏ ra là những thi sĩ bất cần đời. Con gái đi giầy đế bằng, tóc cắt ngắn và trông lại giống đàn ông hơn cả đám bạn đi cùng. Giữa đám người là một nữ sinh viên đang hô hào các bạn. Mẫn dựa lưng vào một gốc cây lắng nghe chăm chú. Thỉnh thoàng anh đưa mắt nhìn khắp cử toạ nhưng không gặp mắt tôi.

      Kinh ra khỏi nhà và đặt một khay trà trên một chiếc ghế không tựa. Tôi giới thiệu Hương với anh, Hương tò mò muốn biết về các nhà cách mạng trẻ tuổi. Họ bắt chuyện rất sôi nổi.

      Tôi buông người xuống một chiế ghế. Để đỡ chán, tôi tách hạt hướng dương tẩm muối và quan sát nữ sinh viên đang nói. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô ta đẹp mặc dù có vẻ dữ tợn. Diễn giả mới chừng hai mươi tuổi này biết cách lên xuống trầm bổng và thu hút được sự chú ý của người nghe. Mỗi lời cô ta nói đều khiến tôi sững sờ vì khâm phục đến tê liệt người đi.

      -… Nước Nhật, trong sự bành trướng quân sự của nó, sẽ không chỉ đô hộ xứ Mãn Châu mà thôi, sắp tới đây sẽ là Bắc Kinh, rồi Thượng Hải, Quảng Đông. Chủ quyền của Trung Quốc đang bị đe doạ! Rồi chúng ta sẽ thành đầy tớ, nô lệ, thành chó hoang! Các tướng quân cát cứ, các chính phủ lâm thời, các nhà cầm quyền quân sự đã chia xẻ lục địa của chúng ta. Chỉ có lòng yêu nước mới đem lại được sức mạnh và hy vọng. Chúng ta hãy nổi dậy, hãy đánh đuổi kẻ thù xâm lược, tiêu diệt bọn nhà binh tham nhũng, hư hỏng đang uống máu nhân dân! Hãy trả lại ruộng cho dân cày, trả lại tư cách con người cho nông nô. Chúng ta hãy xây dựng một nước Trung Hoa mới, trên nền một chế độ nửa phong kiến, nửa thuộc địa đã đổ nát. Một nước Trung Hoa có dân chủ, không tham nhũng, không cảnh khốn cùng, không bạo lực. Tự do, bình đẳng, bác ái là tuyên ngôn của chúng ta. Mỗi công dân sẽ làm việc theo nhu cầu. Dân là chủ, chính phủ là công bộc của dân. Đó sẽ là ngày mà hoà bình và hạnh phúc trở lại với chúng ta!

      Mọi người vỗ tay. Sau khi chào những người hâm mộ, cô ta quay về phía Mẫn. Trong ánh mắt cô, sự khắc nghiệt nhường chỗ cho âu yếm. Anh mỉm cười với cô. Tôi đứng dậy và đến chỗ Kinh và Hương.

      Bạn tôi đang thể hiện tài năng quyến rũ đối với Kinh. Nó nói về gia đình, về cuộc hôn nhân được dàn xếp sẵn. Nó nhìn người nói chuyện với nó bằng ánh mắt chăm chắm khó mà chịu đựng nổi.

      Kinh như bị hớp hồn, cũng không rời mắt khỏi Hương. Mặt anh lúc thì tỏ ra tò mò, lúc lại thương cảm. Tôi đến làm anh lúng túng. Anh liếc về phía tôi, khi chạm mắt tôi, anh nhìn đi nơi khác, húng hắng giọng và lấy lại vẻ cao ngạo.

      Tôi đi loanh quanh trong vườn mà lòng không cách nào xua đuổi được nỗi buồn đang làm tôi nghẹt thở. Lũ chuồn chuồn ớt đậu trên các nhành hoa rồi lại bay lên trong những tia nắng muộn cuối ngày. Qua cửa sổ căn phòng, tôi nhìn thấy chiếc giường nơi tôi nằm hôm trước, dắp trên người vẫn chiếc chăn lụa đỏ thue hoa cúc đại đoá. Cảnh này làm tôi đau khổ.

      Mẫn ra hiệu cho tôi. có thế chứ. Trước mặt các bạn, anh đối xử với tôi như một cô em nhỏ và kể cho họ nghe anh đã cứu sống tôi ra sao. Tôi mặc anh huênh hoang. Rõ là anh ngượng vì tôi.

      Kinh bắt đầu chia bánh mừng sinh nhật. Đến lượt tôi, anh không chìa đĩa bánh mà dừng lại và gỡ một chiếc lá dính trên tóc tôi.

      Có ai vỗ vai anh:

      - Giới thiệu cô bạn cho tớ đi..

      Tôi nhận ra nhà nữ tiên tri lúc nãy.

      Chẳng chờ Kinh nói, chị ta hỏi thẳng tôi:

      - Tên tôi là Đường còn em tên gì?

      Chị hỏi tôi vô số điều. Sự sốt sắng của chị làm tôi khép lại. Chị muốn biết nhiều thứ: trường tôi, nhà tôi, anh chị em tôi có đông không… Rồi chẳng e ngại gì, chị cho tôi biết là đã quen người yêu tôi từ khi mới đẻ. Mẹ chị là đầy tớ nhà Mẫn. Chị nghuệch ngoạc địa chỉ lên một mẩu giấy và mời tôi đến chơi.

      Tôi viện cớ phải về nhà, giao Hương cho Kinh và rời khỏi buổi tiệc. Kinh đuổi kịp tôi trên bực cổng. Anh dang tay chắn ngang lối ra và cám ơn tôi đã đến dự sinh nhật anh.

      Tôi bảo:

      - Hương rất dễ thương. Nó đang hơi lạ với mọi người. Anh giúp nó nhé.

      Mặt Kinh chợt đỏ bừng lên. Tôi hiểu là anh thích Hương. Tôi đột nhiên cấm cảu:

      - Quay vào đi, mọi người đang đợi anh đấy.

      Tôi lôi từ trong túi ra chiếc khăn mùi xoa anh đã từng dùng để lau mặt hôm đưa tôi về bằng xe đạp. Tôi đã giặt nó và thuê tên anh lên đó.

      - Này, có món quà nhỏ này tặng anh đây.

      Kinh nhìn chiếc khăn và lẩm bẩm:

      - Anh rất vui sướng đã được làm quen với em. Em là một cô gái đặc biệt, tính rất hay. Mẫn không xứng đáng với em…

      Tôi hỏi anh tại sao.

      Anh nhìn tôi chăm chăm, cắn vào môi dưới.

      Tôi nhắc lại. Anh tức giận giậm chân và quay đi.

      Ngoài phố nóng và oi. Cây cối lấp lánh và màu xanh như rơi xuống từ đầu ngọn lá. Ô kính của các cửa hàng ném ra đây đó những tia sáng mệt mỏi của mặt trời. Lũ trẻ, gần như trần trụi, chạy dọc theo vỉa hè và vẫy vẫy mớ báo. Để thu hút khách hàng, chúng đồng thanh gào lên: “Một bà giết nhân tình đơ…ơi! Nhà sư đã tìm ra xác chết đơ…ơi!”

      Đến sát cửa nhà tôi thì Mẫn nhô ra và túm lấy cánh tay tôi.

      - Kinh điên rồi! Anh ấy bảo gì em lúc nãy?

      - Chẳng bảo gì.

      - Nó nói gì về anh?

      - Chẳng có gì.

      Mẫn nom vẫn chưa an tâm. Anh xét nét nhìn mặt tôi.

      - Nó yêu em, nó vừa nói với anh xong.

      Câu này như đâm qua tim tôi.

      - Để em đi.

      - Em phải chọn giữa hai người bọn anh.

      - Anh đừng có làm trò cười cho thiên hạ.

      - Em không thể phản bội anh. Thể xác của em thuộc về anh rồi!

      - Này anh, em là một người tự do. Em đem thân em cho ai em thích, cho quỉ dữ cũng xong!

      - Sao em lại nói với anh như thế? Tại sao em làm anh đau khổ? Em không yêu anh!

      - Để em yên. Chị Nguyệt Châu đang đợi. Em sẽ nói chuyện khi nào anh bình tĩnh lại. Ngày mai em phải chơi một ván cờ tại quảng trường Thiên Phong, anh hãy đến đón em lúc mười bảy giờ.

      Chưa bao giờ tôi thấy Mẫn như vậy. Toàn thân anh run lên.

      Tôi bỏ chạy.

      48

      Sau bữa tối, chúng tôi được lệnh đi ngủ mặc nguyên đồ, vũ khí sẵn sàng để gần tầm tay. Nửa đêm, tiếng còi dựng chúng tôi dậy, tôi lao bổ ra ngoài.

      Quân đoàn chúng tôi được chia thành nhiều nhóm, biến vào trong các xe quân sự. Chúng tôi được lệnh đi bắt bọn khủng bố nhóm họp tối nay trong thành phố. Người ta cho rằng sẽ bắt được tên đại tá Li lừng danh.

      Trời om và ẩm ướt. Những con thiêu thân đùa giỡn trong ánh đèn đường. Tại khu phố tư sản, các ngọn đèn ga soi sáng những cánh cổng nặng nề và hoành tráng. Đột nhiên có tiếng súng nổ. Bọn khủng bố đánh hơi thấy bẫy và tìm cách bỏ trốn. Tốp lính trinh sát của chúng tôi đã khai hoả.

      Một quả lựa đạn nổ trong phố bên cạnh, mùi thuốc súng làm tôi rùng mình. Đã nhiều tháng qua, tôi không tham gia một trận đánh nào. Tôi thấy nhớ cái chết.

      Chúng tôi bao vây một dinh thự rộng lớn. Bọn nổi dậy nấp sau các khung cửa sổ kháng cự lại và ném lựu đạn. Cây cối chỗ lựu đạn rơi bốc cháy. Các cửa sổ bị vỡ kính trông đen ngòm như các hang ổ chuột núi.

      Các cuộc tấn công của trung đội chúng tôi tạo cơ hội cho một đội lính com măng đô trèo lên được mái nhà và tìm ra một lối vào. Trận chiến đấu diễn ra chónh vánh. Chưa kịp nóng người thì tôi đã phải hạ súng xuống. Bọn khủng bố để lại năm xác chết và tám người bị thương. Tên đại tá nổi loạn đã khôn ngoan tự sát trước khi chúng tôi vào được trong nhà. Chiến lợi phẩm thật dồi dào: trong hầm rượu chất đầy súng ống, nhiều thùng đạn, nhiều bó tiền Trung Quốc mà bọn nổi loạn chưa kịp đổi sang tiền Mãn Châu. Chúng tôi can thiệp thật đúng lúc. Chúng đang chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy nay mai.

      Tôi đếm thiệt hại phía quân mình: bốn lính và một sĩ quan đã hy sinh vì Thiên hoàng. Phía ngoài cổng nhà bên cạnh, có hình người cựa quậy. một người lính bị dính lựu đạn bò trên vỉa hè và liên tục rên lên khàn khàn. Tôi chạy về phía anh ta và kiểm tra các vết thương: người anh ta chỉ còn là một mớ thịt rách nát chen lẫn với các mảnh áo quần. Ruột gan lòng thòng lòi ra khỏi bụng. Đột nhiên, anh ta bấu vào vai tôi:

      - Giết tôi đi!

      Tôi biết anh ta hỏng rồi, và tôi cũng biết người lính nào rồi cũng sẽ chết nhưng tôi không thể nào rút súng ra khỏi bao được.

      - Giết tao đi, đồ khốn kiếp! Còn chần chừ gì nữa?

      Tôi không có đủ can đàm. Tôi đặt tay lên súng nhưng đầu óc choáng váng. Lính cứu thương chạy tới và mang người lính bị thương trên cáng đi trong lúc anh ta không ngừng rú lên:

      - Giết tôi đi! Xin các anh giết tôi đi! Giết tôi đi!

      Về đến doanh trại tôi lăn xuống giường mà cũng chẳng buồn cởi quần áo ra nữa. Ống tay áo tôi vẫn còn ướt máu người kia, anh ta sẽ hấp hối nhiều ngày trong bệnh viện. Sự tuyệt vọng của anh ta ám ảnh tôi. Tôi không thể giúp đỡ anh, mang cái chết đến cho anh ta, tôi là kẻ hèn nhát. Đức Phật chắc có lẽ sẽ chịu làm cái tội ác mà là ân huệ ấy. Sự cảm thông chỉ thuộc về những tâm hồn mạnh mẽ.

      Lời mẹ vang lên trong tai tôi:

      - Giữa cái chết và sự hèn nhát, con hãy chọn cái chết, đừng do dự.

      49

      Tôi ngắm trăng qua khung cửa sổ và cây cối.

      Bóng Kinh lại lướt qua mắt tôi. Tay chống lên hai khung cửa, mắt sáng rực rỡ một thứ lửa kỳ quặc, anh cám ơn tôi đã đến dự sinh nhật anh.

      Chàng trai này tỏ ra cao ngạo và tính nết khó gần trong một thời gian rất lâu. Mỗi lần nói, dù là nói ngọt với anh, tôi đều ngại ngần phản ứng của anh. Sau lời thú nhận Mẫn chuyển cho tôi, tôi không sợ ánh mắt kiêu kỳ của anh nữa. Từ nay anh sẽ là quyển sách mở sẵn cho tôi viết nên những quy tắc ngữ pháp.

      Tại sao Kinh lại nói rằng Mẫn không xứng đáng với tôi? Hai chàng trai đó đã nói chuyện tay đôi như thế nào? Cái gì khiến Kinh đột nhiên lại thổ lộ tâm sự? Họ có cãi nhau không? Họ có đánh nhau không?

      Mẫn nói rằng anh muốn cưới tôi. Nhưng tôi sợ rằng anh cũng giống ba, giống anh rể tôi. Sự si mê của đàn ông tàn lụi nhanh hơn nhan sắc đàn bà.

      Anh yêu cầu tôi phải chọn. Làm sao mà tôi bỏ không gặp Kinh được, vì Kinh chính là nam châm hút tôi với Mẫn? Tôi sẽ không lừa dối Mẫn vì anh đã làm cho tôi trở thành đàn bà. Tôi trung thành vì biết ơn anh chứ không phải vì anh ghen mà giữ được tôi. Tình cảm của tôi với Kinh tinh tế hơn nhiều so với những bột phát của xác thịt. Sự chối bỏ lại là lạc thú của tâm hồn. Tôi biết Kinh quan sát chúng tôi, anh cũng trải qua cùng tôi sự khám phá xác thân đầy kinh ngạc. Cái nhìn của tôi bóp nghẹt sự thù hận của anh. Khi tôi quay về anh, gương mặt nhợt nhạt bừng lên mầu sự sống. Kinh như con tôi, như anh trai tôi, làm sao có thể có đụng chạm thể xác nào đây? Sự trong sạch này là là bước khởi đầu cho một tình âu yếm tràn trề và không cản trở. Mẫn sẽ không có được điều đó.

      Không có Kinh, những ân ái yêu đương của tôi với tình địch của anh sẽ trở nên tầm thường. Không có Mẫn, Kinh chẳng còn tồn tại nữa. Khác hẳn với sự lông bông của người yêu tôi, tính khắc khổ của Kinh mang màu nghiêm trang và bí ẩn. chọn một người là tôi phải từ bỏ người kia và sẽ đánh mất cả hai.

      Trong cờ vây, với tình huống như thế này, người ta sẽ có một giải pháp thứ ba: tấn công địch thủ ở chỗ anh ta không ngờ tới nhất. Ngày mai, khi Mẫn đến quảng trường Thiên Phong tìm tôi, tôi sẽ giả vờ như không nhìn thấy anh. Đánh xong ván, tôi sẽ đếm quân, sẽ chào đối thủ và đưa mắt nhìn theo anh ta đến khi khuất hẳn. Tôi sẽ mệt mỏi nhìn bàn cờ. Và tôi sẽ hỏi: “Mẫn, chị Đường là ai thế?”

      Anh ta sẽ thề sống thề chết. Tôi sẽ giả đò giận dữ, sẽ giậm chân cáu kỉnh, sẽ than thở. Tôi biết quá rõ những cơn cáu giận của Nguyệt Châu nên chắc sẽ đóng kịch rất giỏi.

      Để vỗ về tôi, anh sẽ lại lôi kéo tôi đến nhà Kinh. Tôi sẽ chấp nhận cho anh hôn tôi. anh sẽ lại lao lên người tôi. Thân thể trần truồng của chúng tôi sẽ lại quấn vào trong chăn như hai cây thông bị các dây leo trói chặt vào nhau. Giường la chiếc kiệu đưa chúng tôi tới bờ bến khác.

      Có tiếng ầm ầm kéo tôi ra khỏi cơn mơ màng. Qua cửa sổ, tôi thấy ba mẹ mặc đồ trong nhà đang đứng giữa sân. Chị bếp nghe động ra khỏi phòng, tay cầm nến.

      - Tắt đi, ba gằn giọng ra lệnh.

      - Em mong rằng đó chỉ là một cuộc tập luyện quân sự, mẹ nói.

      Ba thở dài.

      Lại có tiếng nổ giống như tiếng pháo vào ngày hội Xuân. Đối lại với tiếng ầm ào đó là sự im lặng bướng bỉnh của thành phố: không một tiếng chân, không tiếng thì thầm, không tiếng khóc.

      Rồi tất cả lại trở về trật tự trong đêm đầy sao. Ba mẹ quay về phòng, chị bếp đóng cửa lại.

      Trăng bình yên bất động nhìn chúng tôi.

      50

      Từ lúc bình minh, chúng tôi chạy không ngừng nghỉ trên quãng đường ba cây số bao quanh tường doanh trại. Các bước chân rầm rập của chúng tôi làm tung mù bụi, tiếng hát các bài ca yêu nước vang lên giữa đất trời. Niềm say mê tập thể sưởi ấm trái tim và làm tan biến các cơn ác mộng.

      Đêm qua, tôi lang thang trong các đống đổ nát sau cơn địa chấn. Trời đen đặc khói. Tai tôi đã quen với tiếng rên rỉ không phân biệt được nữa tiếng khóc với tiếng rì rầm của loài côn trùng. Tôi kiệt sức và muốn dừng lại. Nhưng máu chảy ô uế khắp nơi. Mỗi bước đi tôi đều vấp ngã và nguyền rủa các vị thần, tôi thét lên những lời chửi rủa và chúng còn vang mãi cả lúc tôi thức dậy.

      Trong phòng tắm, đồng đội tôi bỏ ra hàng giờ trước gương để cạo ria cho vuông thành sắc cạnh. Tôi dội nước lạnh lên đầu và soi mình trong gương. Khi hình ảnh tôi hiện lên, tôi bất giác quay đi.

      Phải chăng phía bên kia có còn một sự thật nào đó mà ta muốn tránh?

      Tôi nín thở ngắm mình trong gương: tóc cắt cua, lông mày rậm. Giấc ngủ chập chờn khiến lòng trắng mắt tôi vằn những tia máu đỏ. Tôi ngắm bộ ngực trần của mình: da tôi đỏ au và bốc hơi sau cuộc chạy, những mạch máu xanh nổi hằn trên cổ, cơ bắp tôi nổi cuộn trên tay, một vết sẹo chạy dài trên vai trái, kỷ niệm của một buổi tập đâm lê và tôi bị thương. Hai mươi bốn năm của đời tôi đã trôi qua. Nhưng tôi là ai mới được chứ? Tôi không trả lời được. Nhưng ít ra tôi biết tôi sống vì lý do gì: thể xác tôi đã chín, óc tôi đã nghi ngờ, đã yêu, đã tin tưởng, đó sẽ là bó hoa lửa tôi dành dâng lên Tổ quốc tôi. Tôi sẽ bùng cháy trong đêm chiến thắng.

      Mười giờ kém mười lăm, tôi gõ cửa tiệm ăn Chiđôri. Tay chủ giúp tôi bận đồ hoá trang. Tôi nom giống một viên quan và lách ra phố bằng một lối đi bí mật.

      Nhìn từ xe kéo, thành phố vẫn bình yên một cách lạ thường. Trên các vỉa hè, sự uể oải của người Trung Quốc trái ngược hẳn với sự khẩn trương của binh lính Nhật đang di chuyển theo phân đội hình vuông. Các cửa hàng đã mở cửa, các nhà buôn đã bày hàng. Các người bán hàng rao không mệt mỏi. Tôi hỏi người phu xe xem trận đụng độ đêm qua có làm anh ta thức giấc. Anh ta giả bộ như không nghe thấy câu hỏi của tôi.

      Trên quảng trường Thiên Phong, những kẻ chơi coà đã bắt đầu ván cờ như thói quen hàng ngày của họ. Tôi để ý nghe các câu chuyện của họ, họ chỉ mở miệng để bình phẩm về các nước đi.

      Cô gái hiện ra nơi bìa rừng và chạy về phía bàn chúng tôi như một con chim nhẹ cánh bay. Trán em đẫm mồ hôi.

      - Xin lỗi anh, em vừa nói vừa ngồi xuống.

      Em mở chiếc bọc bằng vải bông xanh và chìa cho tôi một hộp sơn mài có các quân đen:

      - Đến lượt anh đi.

      Sự dửng dưng của những người này đối với sự cố tối qua làm tôi sửng sốt.
      51

      Sáng nay khi tôi thức dậy, mặt trời đã lên cao trên ngọn cây đào. Các túm lá xùm xùe trên từng cành một trông giống như những lọn hoa nở bung.

      Tôi cảm thấy hạnh phúc. Niềm vui sướng này không phải bắt nguồn từ sự bình tâm lại mà từ những tình cảm trái ngược. Ve như thấu hiểu tâm trạng của tôi vui vẻ kêu ồn ĩ. Sắc trời nhàn nhạt lách vào tận giường tôi qua các tấm diềm màn. Tôi tưởng tượng thành phố chúng tôi dưới ánh sáng mặt trời như một người đàn bà khoả thân đang chờ sự ve vuốt của người tình.

      Mẹ đi chợ với chị. Ba đóng cửa trong phòng đọc sách, nơi ông đang cật lực chiến đấu với tiếng Anh của Sêchxpia. cả nhà bình yên và mát mẻ. Cửa sổ, cửa ra vào đều mở, mùi thơm của cành lá hoà trộn trong mùi hương hoa nhài lan toả các phòng. Chị người làm Vương Ma tay cầm chổi lưng gà đang quét dọn.

      Sáu tháng trước đây, người đàn bà tội nghiệp này bị mất đứa con vì bệnh lao phổi. Từ đó chị không ngừng nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm về con và thằng bé đã chết lại trở nên sống động hơn bao giờ hết. Ba nghe chị mà lòng chỉ nghĩ đến sách của mình và an ủi chị bằng câu nói chẳng có ý nghĩa gì:

      - Phải can đảm lên cháu ạ.

      Mẹ và Nguyệt Châu cảm thông hơn được với những nỗi khổ của chị. Những chuyện kể lể dông dài của chị khiến họ thở dài hoặc đôi khi còn rơi nước mắt nữa.

      Sớm nay, nỗi thương cảm của tôi biến thành sự khó chịu. vì tôi đang ôm niềm hạnh phúc của mình như mẹ ôm con nên tôi không muốn lại mất vui vì những lời rên rỉ của Vương Ma. Chị ta chưa kịp mở mồm tôi đã lao ra ngoài đường:

      - Em ra quảng trường Thiên Phong đây, tí nữa em về.

      Người lạ mặt đã đến rồi. Khuôn mặt đeo kính như hoá trang nom cứng ngắc, y như toàn thân anh ta vậy. Anh ta ngồi thẳng người trên chiếc ghế chơi cờ, trông giống hệt những lính canh âm ty trong các đền thờ cổ.

      Chúng tôi đặt quân vào các ô. Người lạ mặt đánh dấu đất của mình trên bàn cờ với sự chính xác và tiết kiệm khác thường. Cờ vây chính là người. Tâm hồn anh ta rất cẩn thận và lạnh lùng.

      Việc tôi hào phóng cho anh ta đi trước tạo lợi thế cho anh ta. Anh ta vượt trước tôi trong việc chiếm các vị trí trọng yếu. Tôi bị chậm quân trong khi giành lại các vị trí đó. Tôi dựa vào căn cứ địa của mình ở khu đông bắc để tiến vào dánh khu trung tâm.

      Trời nóng quá. Tôi ra sức quạt mà chẳng ăn thua gì. Đối thủ của tôi khiến tôi rất ấn tượng. Nắng chẳng làm anh ta khó chịu chút nào. Mặt đầm đìa mồ hôi, tay để lên đầu gối và xiết chặt chiếc quạt, người anh ta hoàn toàn bất động.

      Mặt trời sắp đến đỉnh đầu, tôi xin phép nghỉ để ăn trưa và ghi lại các vị trí quân cờ trên một tờ giấy. Chúng tôi thoả thuận là sẽ gặp nhau sau giờ nghỉ.

      52

      Cô gái về nhà ăn trưa, tôi chọn một tiệm ăn Triều Tiên ít khách để vào. Tôi gọi món mì nguội. Tôi chọn một góc có thể nhìn thấy cả gian phòng và để mắt tới những người phục vụ ra ra vào vào, tôi viết nháp một bức thư cho mẹ.

      Tôi báo cho mẹ biết những thứ tôi cần: xà phòng, khăn mặt, báo, sách, bánh nhân đậu đỏ. Nhiều năm học ở trường quân sự đã biến tôi thành một người đàn ông thực sự nhưng xa nhà lại làm tôi giống như một đứa trẻ nhõng nhẽo. Tôi đòi mẹ phải mua hàng hãng này hãng khác, tôi mô tả tỉ mỉ màu và mùi của các loại hàng. Tôi đọc lại danh sách đến hai chục lần và nỗi nhớ nhà nguôi ngoai dần.

      Hoa trong vườn bây giờ ra sao? Em trai đăng vào lục quân có khỏe không? Nó có về nhà được một tháng một lần không? Mẹ có cho nó ăn uống bồi bổ và uống rượu sakê nóng không? Em gái không biết bây giờ đang làm gì? Thời tiết Tôkyô hiện nay ra sao?

      Mọi người đều biết là thư từ có thể bị mở ra kiểm duyệt. Và cũng vì sợ để lộ những bí mật quân sự nên binh lính thường viết về nhà những bức thư tẻ nhạt vô cùng. Gia đình cũng trả lời cùng một giọng. Sau này, khi chúng tôi không còn nữa, liệu sự thiếu vắng những lời than thở và lo âu có khiến người ta coi chúng tôi là những anh hùng không?

      Tôi săm soi từng lời từng chữ từ Nhật Bản tới trong khi gia đình tôi diễn giải lời lẽ của tôi theo kiểu của cả nhà. Mẹ sợ làm nhụt ý chí của tôi nên chẳng bao giờ viết lên nỗi nhớ của bà. Và để mẹ đừng khóc, tôi không bao giờ thổ lộ nỗi đau xa nhà của tôi.

      Giữa mẹ và tôi, chỉ có ngôn từ của cái chết tồn tại.

      Mẹ viết: “Đừng ngại ngần khi được chết vì danh dự của Thiên hoàng, số phận của con là vậy.”

      Tôi trả lời: “ Con rất vui khi được hy sinh vì Tổ quốc thân yêu.”

      Tôi không nói rằng tôi hy sinh cũng vì vinh quang của mẹ. Mẹ chẳng bao giờ nhận rằng cái chết của tôi sẽ huỷ diệt mẹ.

      Tôi kết thúc bức thư của mình thế này: “ Khổng tử nói, “một người có lòng nhân sẽ không bao giờ chấp nhận cuộc sống bất nhân. “ Câu nói này đã trở thành then chốt của cuộc đời con. Mẹ kính yêu, xin mẹ hãy cầu cho con sớm đạt được lý tưởng đó.”


      53

      Bữa trưa ở nhà được dọn trong phòng lớn, cửa chớp đóng hết lại cho đỡ tan đi cái mát của sớm mai. Chị tôi đi chợ về đang kể những tin tức trong thành phố.

      Chị bảo đêm hôm trước, quân đội Nhật đã bắt được các thành viên của Liên minh Kháng chiến đang chuẩn bị nổi dậy. Tiếng súng chúng tôi nghe thấy không phải từ một cuộc tập trận nào mà từ một cuộc tàn sát đẫm máu. Tôi lơ đễnh nghe chị kể. Các ván cờ vây như nhấn chìm tôi trong một cơn say dứt khỏi hẳn thế giới bên ngoài. Bóng tối mờ trong phòng khách khiến tôi liên tưởng đến căn buồng ngủ nhà Kinh, tối như một ngôi mộ vua chúa: đồ đạc sơn thếp toả mùi nặng nề, các vết nứt trên tường vẽ nên những hình bí ẩn. Giường phủ một tấm lụa đỏ sẫm thêu vàng đúng như một lò lửa vĩnh cửu.

      - Một cuộc nổi dậy, cả nhà có tưởng tượng được không? Thật là ngớ ngẩn!

      Rồi chị tiếp:

      - Cả nhà có biết là quân nổi dậy bị bắt ở đâu không? Nghe nhé: chính là con trai ông thị trưởng họp chúng lại trong một dinh thự của nhà ông ta. Này, đừng nhìn con như thể con bịa ra thế. Hình như là còn tìm thấy rất nhiều súng, nhiều thùng đạn nữa cơ đấy. sao cơ ạ, à vâng tất nhiên là cậu ta bị bắt rồi.

      Món gà trong miệng tôi trở nên nhạt thếch. Để nuốt trôi, tôi nhét đầy cơm vào mồm mà không thể nuố nổi.

      - Sáng sớm ngày hôm nay, chị bếp mách, người Nhật đã bắt bác sĩ Li, ông ấy cũng là quân phiến loạ đấy.

      Ba chậm rãi nói:

      - Ba biết rõ ông thị trưởng. Ông các con và bố ông ta cũng làm quan trong triều của Thái hậu. Hồi còn trẻ, ba và ông ấy đến chơi với nhau luôn. Ông ấy định du học bên Anh nhưng gia đình không đồng ý. Ông ấy vẫn tiếc mãi đấy. Hôm nọ ông ấy có đến chào ba lúc hết buổi nói chuyện của ba. Năm nay năm mươi lăm tuổi rồi, trông ông ấy giống ông cụ cố lắm, chỉ thiếu mỗi mũ lông công, vòng san hô và áo gấm nữa thôi. Lúc bắt tay ba ông ấy còn khoe anh ông ta là cận thần thân tín của Hoàng đế Mãn Châu, mới xin được cho ông ta một chức ở triều đình Tân Kinh. Nhưng thế này thì đường công danh của ông ta đứt hẳn rồi. Ba thấy lo cho tính mạng của ông ấy và tương lai gia đình nhà ấy đấy.

      - Sao anh lại có thể thương cái tay ấy được nhỉ? Mẹ nói. Ông ta rất ghen tức với anh. Lúc còn là cố vấn thị trưởng, ông ta còn bày mưu tính kế để giảm giờ dạy của anh cơ mà. Em còn nghi rằng ông ta cũng muốn cấm không cho các bản dịch của anh được in. Em không quên đâu. Bây giờ em thấy nhà ấy có gặp tai hoạ cũng là chuyện bình thường.

      Tôi thật không ngờ ba mẹ tôi lại quen biết bố Kinh. Chuyện trò của ba mẹ làm tôi tan nát cả lòng. Ngồi trong bóng tối quanh bàn ăn, mọi người bàn luận về sự kiện cứ như thể đang nói chuyện về việc bắt được một băng đảng trộm cắt vậy.

      Đột nhiên chị tôi kêu lên:

      - Sao em nhìn chị thế?

      - Em đau bụng.

      - Trông mặt con xanh lắm. Đi nằm ngay, mẹ ra lệnh, mẹ sẽ bảo mang nước trà cho con.

      Tôi nằm dài trên giường, hai tay lạnh giá ôm bụng.

      Kinh đâu nhỉ? Mẫn có ở chỗ anh không? Tôi như thấy lại từng vết nứt, từng chiếc bàn chiếc tủ, từng đồ đạc lặt vặt trong nhà họ. Tôi thấy các đồ đạc hiền lành và cũ kỹ, chẳng có vẻ gì là nổi loạn cả. Những lúc Mẫn ôm tôi và kéo tôi vào phòng ngủ, anh đã đi trên chiếc hầm bí mật. Khi Kinh nói chuyện với tôi trong vườn và ghen tức theo dõi Mẫn, họ gắn bó với nhau bằng một mối liên hệ mạnh hơn tình yêu. Tại sao họ giấu tôi sự thật? Tôi cũng muốn được chia xẻ lòng yêu nước của họ, đi tù cùng họ, chết bên họ. Tại sao họ quyến rũ tôi để rồi lại hất bỏ tôi ngay?

      Nguyệt Châu bưng cho tôi một tách trà. Tôi quay mặt vào tường, giả vờ ngủ.

      Tôi thấy lại buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Ngoài chợ, quân kháng chiến đã phát lệnh tấn công toà thị chính. Tôi bị đám đông xô đẩy và ngã xuống. Một thanh niên có nước da ngăm ngăm chìa tay kéo tôi. Gương mặt anh vuông chữ điền mang nét quý tộc Mãn Châu. Rồi Kinh xuất hiện, lạnh lùng và kiêu ngạo. Hai người tổ chức của cuộc nổi dậy đã bước vào đời tôi như vậy.

      Tôi trở mình. sau khi uống nhiều ngụm trà, tôi lấy lại bình tĩnh. Khi Mẫn nói với tôi về cách mạng, tôi tưởng chừng như anh đang mơ màng. Khi anh nói rằng đời anh đầy nguy hiểm, tôi chế nhạo anh về thói ưa mạo hiểm.

      Tôi nhớ lại chị Đường, cô sinh viên được mời đến dự sinh nhật Kinh. Bây giờ tôi mới hiểu hết lời chị ta: là con của nông nô, chị ta tìm thấy trong lý tưởng cộng sản niềm tin và sức mạnh. Cuộc xâm lăng của quân Nhật đã bẻ gẫy những trật tự giai cấp ngàn đời và Đường đã truyền cho chàng địa chủ Mẫn trẻ tuổi giấc mơ về một xã hội mới, nơi mọi người đều bình đẳng. Chính Đường đã thúc đẩy Mẫn cầm vũ khí và gia nhập Liên minh Kháng chiến. Và Mẫn đã lôi kéo thêm Kinh. Cả ba người này chắc sẽ bị xử bắn!

      Tôii lẻn ra ngoài. Bác xe tay chạy qua nhà Kinh. cả phố đã bị lính canh chặn đường.

      Quảng trường Thiên Phong, tôi bày quân theo sơ đồ đã dánh dấu. Tôi nhìn chăm chăm vào bàn cờ, đếm các ô cờ và chìm vào trong suy tư toán học.

      54

      Sau bữa cơm trưa, sắc mặt của cô gái tái xanh. Nét mặt buồn rượi và khi cô cầm một quân cờ, tay cô run rẩy.

      Cô im lặng nên tôi không dám an ủi cô. Tôi giả vờ dửng dưng để cô khỏi phật ý. Chắc cô không phải là người thích được thương hại.

      Chỉ mới vài giờ mà thiếu nữ đã già đi nhiều tuổi. Gò má như cao hơn vì má hõm vào. Mặt dài hơn, cằm nhọn hơn.

      Quan lần chớp mặt, tôi bắt gặp cái nhìn giận dữ của một đứa trẻ bị tổn thương. Cô ta giận một người anh chăng? Cãi nhau với một cô bạn chăng? Rồi sẽ qua thôi. Tôi lo lắng hộ cô là nhầm. Tính khí của các thiếu nữ thay đổi nhanh chóng và cô ta sẽ lại tìm thấy nụ cười.

      Trong lần chơi trước, tôi có cảm tưởng cô là một kỳ thủ có nước đi nhanh và tự phát. Hôm nay cô suy nghĩ hàng giờ. Mắt cúi xuống, môi mím chặt, miệng như sắt lại, cô có thể ngồi làm mẫu cho hoạ sĩ vẽ mặt nạ kịch nô của một vai hồn ma nữ.

      Cô tỳ khuỷu tay lên cạnh bàn cờ và tựa đầu vào lòng bàn tay, nom mỏi mệt. Tôi tự hỏi không biết cô có thực sự nghĩ tới ván cờ không. Cờ thể hiện tâm hồn. Nếu cô dịch sang phía đông một ô, nước đi sẽ chắc chắn hơn.

      Quân đen của tôi đi theo sát. Tôi muốn tỏ ra hiếu chiến để cô cảnh giác hơn. Cô ta ngẩng đầu lên, tôi tưởng cô sắp khóc nhưng cô lại mỉm cười:

      - Đi hay lắm! Ngày mai chơi tiếp được không?

      Tôi rất muốn chơi tiếp ngay bây giờ nhưng tôi đã tự quy định là không bao giờ tranh luận với phụ nữ.

      Cô lại đánh dấu thế cờ trên tờ giấy. Bên Nhật, trong các trận đấu, mỗi khi phải ngừng chơi, chỉ trọng tài mới đánh dấu các vị trí quân cờ và công khai cất sơ đồ trận đánh trong một chiếc két sắt.

      - Anh có muốn giữ không? Cô hỏi.

      - Không, xin cô cứ giữ giùm.

      Cô nhìn tôi chằm chằm và xếp quân cờ.


      55

      Ngoài đầu phố, bóng Mẫn nổi bật. Khi đến gần ngã tư nơi tôi đợi đã hàng giờ, chàng sinh viên trên chiếc xe đạp gật đầu chào tôi. Tôi nhìn anh như muốn nuốt. Nét mặt anh nhẵn và không dấu vết gì của sự đau đớn. Mồ hôi lấp lánh trên chán, anh mỉm cười với tôi trước khi đạ đi xa dần.

      Phải tìm lại Kinh bằng được. Tôi vượt qua hàng rào lính Nhật và vào được nhà Kinh. Bên trong các bức tường đổ, ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn. Trong vườn, chỉ còn hoa thược dược đỏ là không bị gãy nát. Kinh nằm trên một chiếc ghế đang chơi với chim.

      - Em tưởng anh bị bắt.

      Anh ngẩng đầu, ánh mắt vừa hằn học vừa khao khát.

      - Em là nhà tù của anh.

      Tôi thức giấc.

      Từ sáng sớm, ngã tư đền đã đầy các nhà buôn, người đi dạo, các đạo sĩ. Tôi ngồi vào một quầy và buộc mình phải ăn một bát vằn thắn. Tôi nhìn qua màn hơi dày đặc bốc lên từ cái nồi và chờ sự xuất hiện của Mẫn.

      Người qua đường lượn qua như trong mơ, phu xe kéo hồng hộc chạy. Họ đi đâu vậy? Họ có con trai hay anh em bị Nhật bắt không? Tôi thèm cái vẻ dửng dưng của các đạo sĩ, sự ngây thơ của các em bé trên tay mẹ, sự cùng khổ bình yên của người ăn mày. Mỗi khi có bóng một chiếc xe đạp nào từ xa là tôi khắc khoải đứng dậy. Lần đầu tiên tôi hiểu rõ câu ngạn ngữ: “nhìn như muốn nổ con ngươi”.

      Rồi mặt trời lên cao tới ba con sào. Tôi nấp vào một gốc liễu. Lính Nhật đi qua ngã tư, đầu lưỡi lê cắm cờ mặt trời mọc. Dưới các mũ sắt là những gương mặt trẻ và độc ác. Họ thấp đậm, mắt một mí, mũi tẹt và có ria, họ chính là giống người sống trên đảo mà theo truyền thuyết đã bắt nguồn từ dân tộc chúng tôi. Tôi ghét họ.

      Đến mười một giờ, tôi quyết định đến trường. Hương mách rằng thầy dạy Văn biết tôi nghỉ và ghi tên tôi. “Sao đến muộn thế?” nó hỏi. Tôi báo cho nó biết tình hình.

      Nó nghĩ ngợi:

      - Chắc cậu phải chốn đi ít lâu. Cậu chơi với Mẫn và Kinh. Bọn Nhật có thể sẽ để ý đấy.

      Nó làm tôi bật cười:

      - Họ mà bắt tớ thì tớ càng thích. Tớ trốn đi đâu được? Nếu tớ trốn thì ba mẹ tớ lại phải bị đi tù thay. Cho họ bắt!

      Hương xin tôi đừng làm điều ngớ ngẩn.

      - Tớ có làm gì đâu. Tớ khôn ngoan và hèn như thế này cơ mà. Không bao giờ tớ lại đi đốt trại lính Nhật để cứu các bạn tớ. Họ mới là anh hùng thực sự Họ biết bắn súng, ném lựu đạn, đốt thuốc nổ. Tớ đã bao giờ sờ đến thứ vũ khí nào đâu. Tớ có biết nó nặng nhẹ ra sao, sử dụng như thế nào đâu. Tớ chẳng thể nào nhận ra một người kháng chiến với người thường. Tớ chỉ là một con bé tầm thường.



      (Còn tiếp)

      Sơn Táp



    Góc Phố




Về Đầu Trang Go down
 

Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây- phần V- Truyện dài - Sơn Táp

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: (¯`• ♥.*. ♥•´¯) NGHỆ THUẬT SỐNG (¯`•♥.*.♥.´¯) :: TRANG VĂN :: Truyện Dài-
free counters