Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22 Sudieptutroi

 

 NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Góc Phố
Cấp bậc: Quản Lý
Cấp bậc: Quản Lý


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 457
Điểm NHIỆT TÌNH : 1330
Ngày tham gia : 20/01/2011
Job/hobbies : student

NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22 Vide
Bài gửiTiêu đề: NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22   NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22 EmptySat May 21, 2011 11:06 am




      NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG

      Tác giả: KH

      19 tháng 3 là Bổn mạng của Cha Giuse Nguyễn Quang Lãm, là Cha Sở Giáo xứ Xây Dựng năm xưa, cũng là người Cha ân nhân của gia đình chúng tôi .
      Đã từ lâu tôi muốn viết về người Cha thân yêu này của gia đình chúng tôi, để nhớ lại những gì cha đã giúp đỡ cho chúng tôi; và cũng để gia đình chúng tôi luôn khắc sâu vào lòng những ân tình mà không làm sao chúng tôi đền đáp được, để mãi mãi các con tôi vẫn luôn nhớ về Cha và xin Cha phù hộ.
      Ngày đó, năm 1988, gia đình chúng tôi quyết định bỏ vùng kinh tế mới về Sài Gòn sinh sống, những mong sự thay đổi này, giúp gia đình chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.
      Mong ước là thế, nhưng việc đời đâu có dễ dàng như ý muốn của mình, chúng tôi may mắn được Bà Nội cho ở nhờ trong căn nhà, được nhà nước cấp còn đang bỏ trống, tại Giáo xứ Xây Dựng.
      Điều này thật vô cùng tiện lợi cho gia đình Công giáo như gia đình chúng tôi. Bao nhiêu năm ở vùng kinh tế mới, một năm chỉ đi lễ được 2 lần, vào ngày Giáng Sinh và ngày Phục Sinh. Những đứa con lớn của tôi được học giáo lý qua quýt để được nhận các Bí tích theo độ tuổi.
      Vì thế, ngày được trú ngụ trong Giáo xứ, tôi vui mừng lắm! Tôi siêng năng cùng chồng con đi lễ hằng ngày, các con tôi được ôn lại những bài giáo lý chưa hề biết qua. Đặc biệt là Thánh Lễ Thiếu Nhi vào sáng chủ Nhật, chính Cha sở giảng giáo lý cho cả nhà thờ.
      Bao giờ vào bài giảng, Cha cũng cho mang ra một bản đồ “Hành Trình Rao Giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu” thật lớn treo giữa nhà thờ. Cha dựa vào bài Phúc Âm để chỉ ra con đường Chúa Giêsu đang đi qua. Vùng nào Chúa chịu phép Rửa, vùng nào Chúa làm phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá, vùng nào ông Gia-kêu trèo lên cây cao để được nhìn thấy Chúa, vùng nào có người Samaritanô nhân hậu…
      Tuần nào cũng thế, cứ theo cách giảng của Cha, thì dễ nhận biết được hành trình của Chúa trong 3 năm đi rao giảng Tin Mừng. Chính tôi đây cũng nhờ thế, mà nhớ được từng bài Phúc Âm và hình dung ra từng nơi xảy ra từng việc, trên bản đồ to lớn của Cha treo giữa nhà thờ.
      Nhờ cách giảng ấy, mà thiếu nhi giáo xứ Xây Dựng không những thuộc bài Phúc Âm, những phép lạ Chúa đã làm nơi nào, mà còn biết rõ địa lý của từng bài đọc, từng vùng đất nằm dọc theo hai bên bờ sông Gio-đan. Các con tôi cũng thế!
      Ổn định được nơi ở, vợ chồng tôi chọn nghề may gia công tại nhà. Điều mà người trong Giáo xứ bất ngờ là họ thấy chúng tôi cũng có Đạo!
      Chả là vì nhà chúng tôi đang ở là nhà của một gia đình đã vượt biên, bị nhà nước tịch thu và cấp cho mẹ chồng chúng tôi là gia đình liệt sỹ có con đang làm trong Sở Ngoại vụ. Gia đình nhà chồng tôi không có Đạo, chỉ có chồng tôi là anh cả “đi lính cộng hòa” và theo Đạo khi cưới tôi.
      Tôi không rõ họ quan tâm đến chúng tôi như thế nào? Vì thật tình chúng tôi có 6 miệng ăn trong nhà, 4 đứa con còn trong tuổi đi học, nên mọi chú tâm của chúng tôi là làm sao đủ tiền ăn, tiền học cho các con, chứ không hề để ý đến xung quanh… Mỗi ngày cứ mong sao có hàng để may, may nhiều thì có tiền nhiều, may đến quên ăn quên ngủ, không biết trời qua đêm lúc nào, nếu không nhờ tiếng chuông nhà thờ báo cho biết đã đến giờ lễ sáng.
      Ban đầu chỉ có một cái máy, hai vợ chồng thay phiên nhau đạp, sau có người trong Giáo xứ gọi đến nhà, cho mượn một cái máy bỏ quên trong kho đã lâu. Chồng tôi mang về hì hục chùi lau, bôi dầu thay nhớt, máy chạy khá tốt, thế là bao nhiêu hàng cũng cố nhận, các con lớn cũng tập giúp Ba Mẹ, mỗi khi tôi rời máy để đi chợ hay cơm nước, là các cháu thế vào, không bao giờ dám để máy trống.
      Tuy làm cật lực như thế, nhưng tiền công chẳng là bao, vẫn thiếu trước hụt sau. Mẹ phải nấu thêm nồi xôi cúc cho con gái bán trước cổng nhà, sau ế quá hôm nào cũng ăn xôi trừ cơm, con gái nói: “Mẹ để con đi bán dạo mau hết hơn!” Thấy con từ lúc nào chỉ biết ăn học, giờ phải bon chen với đời, tôi không sao cầm được nước mắt, nhưng cố nín lòng để con đi rao bán.
      Vào đầu niên học năm đó, nhờ giấy xác nhận mẹ là giáo viên, tôi xin được cho con vào trường Nguyễn Thượng Hiền. Tôi không cho con đi bán xôi nữa, hai vợ chồng ra sức cầy, tập cho con phụ những đường may đơn giản, để có tiền cho con khỏi thất học. Các cháu biết thân phận không ham chơi, chăm lo học hành, tan học là về ngay nhà để phụ ba mẹ. Nhìn con gái vào cấp 3 chỉ độc nhất một chiếc áo dài, chiều nào cũng lo giặt, phơi cho khô, mai mặc đến lớp mà thương, rồi cứ thế áo ngã qua màu cháo lòng lúc nào không hay! Nhìn áo con, mẹ đau cả lòng, và cho mãi đến bây giờ thấy trong sân trường, hay trên đường phố có chiếc áo dài nữ sinh nào có màu cháo lòng là tôi mãi nhìn theo và không làm sao quên được thời khổ cực đó của các con tôi.
      Như mọi buổi chiều, tôi cắm cổ bước vào nhà thờ cho kịp lễ, bỗng thấy Cha Sở vẫy tay bên cửa sổ nhà xứ. Tôi không hiểu Cha gọi ai, tôi nhìn quanh, nhìn ra phía sau, vẫn thấy Cha vẫy gọi, tôi chỉ vào người tôi, Cha gật đầu. Tôi vội bước ra hành lang, đến bên Cha:
      - Thưa Cha gọi con?
      Cha trả lời:
      - Ờ, trong nhà con, có đức con trai nào khoảng lớp 6, 7 gì không?
      - Dạ, có đứa học lớp 7, thưa Cha!
      - Vậy đem nó ra nhà Cha, Cha nuôi cho một đứa.
      Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Cha đã tiếp lời:
      - Thu xếp sách vở, áo quần mai cho nó ra ngay nhé. - Rồi Cha đi nhanh vào dâng lễ.
      Tôi chẳng biết hỏi cùng ai, vì thật ra tôi cũng chẳng biết ai để mà hỏi. Sao Cha lại biết tôi? Sao Cha lại giúp tôi như thế? Từ ngày về đây sinh sống, tôi chưa hề vào gặp Cha một lần nào, cũng không hề xin Cha cho nhập vào xứ Đạo, vì cũng không biết mình còn lưu lạc đến nơi nào, nên cũng không dám làm phiền đến Cha.
      Thế sao Cha lại biết tôi? Đòi nuôi giùm cả con tôi, tức là phải rõ hoàn cảnh của tôi lắm lắm mới có đề nghị như thế…
      Tan lễ tôi về báo cho chồng và con biết. Sáng hôm sau, vâng lời Cha dẫn con vào, với túm ny-lông đựng ít sách vở và vài bộ đồ cho con, tôi đưa con vào nhà Cha.
      Con trai tôi tên Vương Quốc Huy học giỏi từ tiểu học, không hiểu sao chẳng sợ hãi gì, cứ thế vào nhà thờ sống với Cha. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, nó tạt về nhà kể chuyện sống với Cha cho cả nhà nghe.
      Hằng tháng, Cha lại bảo nó về gọi Mẹ ra Cha bảo:
      - Dạ , Cha gọi con.
      - Cha đưa mấy trăm phụ trong nhà, thôi về đi!
      Tôi muốn nói: Cha đã nuôi con giùm con rồi, mà còn đưa tiền cho con nữa làm gì? Nhưng Cha chẳng cho tôi nói tiếng nào, cứ khoát tay bảo về đi. Tôi chẳng biết nói sao. Xem ra Cha biết rất rõ sự khó khăn của nhà chúng tôi.
      Một hôm, vào đợt lãnh tiền gia công cuối tuần, chồng tôi nhậu lai rai với bác giao hàng, hình như anh uống hơi say… Không hiểu lúc tiễn bác giao hàng xuống gác đi về, cô em chồng tôi nói lời gì mà chồng tôi tiếng qua, tiếng lại với cô em chồng (Lúc này nhà không còn mình gia đình tôi ở, mà má chồng cho 2 mẹ con cô em chồng đến quản lý nhà, cho gia đình tôi gồm 6 nhân khẩu dọn lên căn gác 12m2, cùng làm việc, học hành, ăn ngủ trên căn gác ấy). Cô em dâu ghé vào chơi lại nói câu: “Nhà này là nhà của tôi, tôi không muốn cho anh chị ở nữa…”
      Thế là trong cơn say, chồng tôi hất tung bàn thờ xuống đất, vừa la to: “Nhà của mày hả? Tao không cần nữa, tao đi đây!” Thế là anh ôm hình Ba anh đi lang thang ngoài đường. Phần tôi khi có tiếng qua tiếng lại giữa hai anh em, tôi đã trốn qua nhà hàng xóm, nên không rõ sự việc ra sao? Người ta báo cho tôi là chồng tôi ôm hình Ba anh ấy ngồi ngoài đường.
      Tôi vội vào nhà Cha báo cho cha biết và xin cho con trai ra dẫn ba nó về. Đêm đó, anh không chịu về nhà, tôi phải ra xin Cha giúp cho anh có nơi ngủ cho qua cơn say.
      Cha bảo: “Nói Huy giăng mùng vào phòng Thánh Martino mà ngủ, mai phải dậy thu xếp lúc có chuông nhà thờ, đừng để người ta nhìn thấy!”
      Sau hôm đó, gia đình tôi bị má chồng và các em chồng họp lại, đuổi cả gia đình ra khỏi nhà, vì tội “đập phá bàn thờ”.
      Tôi xa giáo xứ Xây Dựng từ ngày đó, tôi thuê nhà gần nơi ấy cho con tôi thỉnh thoảng tạt qua nhà, và cũng phải gần nơi để nhận hàng. Gia đình tôi đi đâu Cha dõi theo đó. Thuê nhà cũng khó, chỗ thì chật, chỗ thì bất tiện, có chỗ vừa thuê ở được vài tháng lại phải chuyển đi vì có người muốn mua nhà.
      Chỉ có vài năm mà tôi thuê những 9 căn nhà. Cha đã phải kêu lên:
      - Sao nhà con khổ thế? Thuê nhà gì vài tháng họ đòi nhà cũng trả là sao? Vậy là dọn đi suốt à? Phải tính sao chứ?
      Nhưng biết tính sao được, lúc nhà bỏ không, chẳng ai mua, chẳng ai mướn, mình vừa mới thuê là có người trả giá cao. Mình khó dễ họ làm gì ?
      Sau hai năm thì Cha sinh bịnh, con tôi cũng chịu khó vì Cha nhiều, đau chẳng bao lâu Cha bị liệt 2 chân, trước bàn thờ phải treo một cái màn để kéo lại mỗi khi khiêng cha ra, và lúc làm Lễ xong thì đưa cha vào.
      Người ta dự định đưa Cha đi qua Đức chữa bịnh, cha gọi tôi vào:
      - Cha đi chữa bịnh, để Huy nó đi với Cha, Cha quen sự chăm sóc của nó rồi, ra nước ngoài nó học được nhiều cái, không chừng Cha lại cho nó đi tu như Cha. Con tính sao?
      - Dạ, thế thì còn gì bằng Cha! Con không dám mơ ước điều gì hơn.
      Ít lâu sau cha lại đổi ý:
      - Thôi để Cha ở nhà chết cũng được, để suất đi nước ngoài cho các Cha trẻ đi học, có ích cho Giáo hội hơn.
      Sức khỏe Cha mỗi ngày mỗi kém đi!
      Một hôm, con trai tôi chạy về nhà, mặt đỏ bừng. Tôi hỏi có chuyện gì vậy? Nó trả lời :
      - Cha kỳ lắm má, cứ bắt con viết di chúc hoài.
      - Viết làm gì ?
      - Cha cứ nói, Cha đọc cho con viết, xong thì cha ký, hay lăn tay, vì tay Cha cũng tê lắm rồi. Con không chịu viết, có người vô thăm Cha, con bỏ chạy về đây.
      Tôi cũng chẳng biết nói gì? Nó yêu Cha lắm, lại sợ Cha chết, thôi cứ để nó ở nhà một lát tâm trạng ổn, rồi về. Nhưng có người vào nhà gọi:
      - Cha cứ gọi Huy mãi, vào ngay với Cha, giờ Cha mệt lắm rồi!
      Hai Mẹ con tôi cùng chạy đến nhà thờ. Cha vừa thấy tôi nước mắt trào ra, Cha không còn nói được nữa, họ khiêng Cha đi, Cha vẫn hướng mắt nhìn mẹ con tôi… Rồi Cha qua đời.
      Ngày đám tang của Cha, tất cả Giáo xứ được thông báo ở nhà, xem trực tiếp truyền hình, không được đến nhà thờ, vì nhà thờ quá nhỏ không đủ tiếp khách quan trọng đến viếng xác Cha. Con tôi được mặc nguyên bộ đồ tang, túc trực bên quan tài của Cha, bái lạy những người đi viếng xác Cha. Gia đình tôi có giấy ưu tiên đi dự Thánh lễ An Táng và đưa Cha đến nơi an nghỉ cuối cùng.
      Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tại sao Cha lại giúp gia đình chúng tôi? Ai đã giới thiệu cho Cha biết về chúng tôi? Tất cả những điều ấy tôi vẫn không sao tìm ra được. Nhưng giáo xứ Xây Dựng vẫn luôn là những vị ân nhân ẩn mặt của chúng tôi.
      Tôi chưa rõ công trạng của Cha đối với Giáo Hội, với xã hội như thế nào? Bao nhiêu người thương? Bao nhiêu người ghét? Con tôi thì thường kể, Cha rất thương người nghèo, những người “ăn xin”, vẫn đúng hẹn đến nhận tiền Cha cho, có bộ đồ ngủ độc nhất để mặc, Cha cũng đành trao cho người quá rách rưới đến tìm Cha. Cha sống rất bình dân và khổ hạnh.
      Có dịp về, chúng tôi vẫn đến thắp nhang cho Cha. Điều mà Cha chắc vẫn yêu thương gia đình chúng tôi, là từ ngày Cha mất đến nay, trong bữa cơm nào, gia đình tôi cũng đọc “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Thầy Cả Giuse được lên chốn nghỉ ngơi.” Lời kinh ấy đi theo từng bữa cơm của gia đinh suốt gần 20 năm Cha đã ra đi.
      Viết về Cha trong ngày Mừng Kính Thánh Bổn Mạng Giuse của Cha. Xin Cha vẫn dõi theo chúng con như những ngày cùng khổ của chúng con mà cha vẫn luôn để mắt đến .



    Góc Phố




Về Đầu Trang Go down
 

NHÂN NGÀY LỄ BỔN MẠNG- Tác giả KH- Vườn Ô-liu 22

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: (¯`• ♥.*. ♥•´¯) NGHỆ THUẬT SỐNG (¯`•♥.*.♥.´¯) :: TRANG VĂN :: Truyện Ngắn
-
free counters