Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Sudieptutroi

 

 CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Teresa
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
Teresa

Tổng số bài gửi : 283
Điểm NHIỆT TÌNH : 571
Ngày tham gia : 14/11/2009

CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Vide
Bài gửiTiêu đề: CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)   CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) EmptyFri Jul 20, 2012 9:39 pm





    Chén cuộc đời Phần I : Cầm Chén

    Trong cuốn sách này, tôi muốn thuật lại câu chuyện về “chiếc chén”, đó không nguyên chỉ là câu chuyện của riêng tôi, mà còn là câu chuyện về cuộc đời của mọi người.




    CHÉN CUỘC ĐỜI




    Tác giả: Lm Henri Nowen




    Phỏng dịch:Lm. Dominic Thuần,SSS



    CÂU HỎI
    Trong cuốn sách này, tôi muốn thuật lại câu chuyện về “chiếc chén”, đó không nguyên chỉ là câu chuyện của riêng tôi, mà còn là câu chuyện về cuộc đời của mọi người.

    Khi Chúa Giê-su hỏi Gia-cô-bê và Gio-an, các con của ông Giê-bê-đê: “Các ngươi có thể uống nổi chén Ta sắp uống không?”, câu hỏi ấy nhắm trúng vào trọng tâm chức linh mục và đời sống con người của tôi. Những năm trước đây, khi cầm chén thánh vàng lộng lẫy trong tay, thì trả lời câu hỏi ấy chẳng có gì khó khăn lắm. Đối với tôi, một tân linh mục vừa ra lò còn đang ôm ấp biết bao kế hoạch và đầy lý tưởng, đời sống có vẻ tràn đầy hứa hẹn, nên tôi đã hăm hở uống chén ấy.



    CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Thanhthe1
    Ngày nay, ngồi sau chiếc bàn thấp, bao quanh là những người khuyết tật tâm thần và các trợ tá của họ, và khi trao cho họ những ly thủy tinh đầy rượu, câu hỏi kia quả là một thách đố lớn lao. Tôi có thể, hay chúng ta có thể uống nổi chén mà Chúa Giê-su uống không?

    Tôi còn nhớ, mấy năm trước đây khi câu chuyện mà trong đó Chúa Giê-su nêu lên câu hỏi trên, được công bố trong Thánh Lễ, lúc ấy là 8 giờ 30 sáng, và có khoảng 20 thành viên của Cộng Đồng Đây-Brêch (Daybreak) tụ họp trong nhà nguyện nhỏ dưới tầng hầm, những lời “ngươi có thể uống nổi chén Ta sẽ uống không?” bỗng đâm thấu tim tôi như lưỡi giáo bén nhọn của người thợ săn. Trong nháy mắt, tôi nhận thức rõ, chấp nhận câu hỏi này cách nghiêm túc là phải biến đổi tận căn cả cuộc sống của mình. Đó là câu hỏi có sức đập nát tâm hồn cứng rắn nhất và vạch trần cuộc sống thiêng liêng của ta.

    “Ngươi có thể uống nổi chén được không? Có thể uống cạn ly được không? Có thể nếm mọi niềm vui và đau khổ của cuộc đời được không? Có thể sống trọn cuộc sống con người với tất cả những gì bao gồm trong cuộc sống ấy không?”.Tôi nhận thấy, đó chính là những câu hỏi của chúng ta.

    Nhưng tại sao ta lại phải uống chén cuộc đời này? Tại sao ta lại phải uống chén tràn đầy đau khổ, sầu thương và bạo tàn của cuộc đời? Tại sao ta lại phải uống chén ấy? Sống cuộc đời bình thường, ít đau khổ và nhiều lạc thú lại chẳng dễ dàng hơn hay sao?

    Sau Bài Đọc, tôi tự dưng cầm lấy một trong những ly thủy tinh lớn đặt trên bàn trước mặt tôi, rồi nhìn những người xung quanh, trong số đó có những người bước đi không vững, những người khác thì không nói được, hoặc không thể nhìn rõ được, tôi nói: “Chúng ta có thể cầm lấy chén cuộc đời trong tay được không? Chúng ta có thể nâng chén lên cho mọi người thấy và uống cạn được không?”.Uống chén khác hẳn với hành vi nốc cạn những gì trong chén, cũng như bẻ bánhkhác hẳn với hành vi bẻ nát tấm bánh ra. Uống chén cuộc đời bao gồm những động tác: cầm lấy, nâng lênuống. Đó là cuộc mừng đặc ân được làm người.

    Chúng ta có thể chấp nhận cuộc sống, nâng lên và uống chén cuộc đời như Chúa Giê-su đã thực hiện không? Trong số những người hiện diện xung quanh tôi hôm ấy, một số người tỏ vẻ chấp nhận, nhưng riêng tôi, tôi ý thức rõ và sâu xa thực tại này. Câu hỏi của Chúa Giê-su đã đem lại cho tôi một ý niệm mới về cuộc sống của tôi cũng như của những người xung quanh tôi. Sau Thánh Lễ đơn sơ vào buổi sáng hôm ấy, câu hỏi của Chúa Giê-su cứ văng vẳng mãi bên tai tôi và xoáy vào hồn tôi: “Ngươi có thể uống nổi chén Ta uống không?”. Để câu hỏi ấy lắng chìm đi, tôi không thể an tâm được. Tôi biết rõ, tôi phải sống với câu hỏi ấy.

    Cuốn sách này là kết quả của cuộc sống ấy. Đây là nỗ lực làm cho câu hỏi của Chúa Giê-su thấm vào tâm hồn ta để cá nhân mỗi người chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi của Chúa. Tôi sẽ diễn giải theo ba đề tài được nêu lên vào buổi sáng hôm ấy tại nhà nguyện Đây-brêch (Daybreak): Cầm chén, nâng lên, và uống cạn. Các đề tài này đã giúp tôi khám phá ra những chân trời mới của cuộc đời mà câu hỏi của Chúa Giê-su trải rộng ra trước chúng ta. Xin mời bạn đọc, khi đọc cuốn sách này, hãy cùng tôi dấn thân cho công cuộc khám phá này.





    PHẦN I


    CẦM CHÉN
    Trước khi uống, ta phải cầm lấy chén.

    Tôi vẫn nhớ mãi, hồi còn nhỏ, trong một bữa cơm gia đình ở Nê-đơ-len (Netherlands). Đó là một dịp đặc biệt gì tôi không còn nhớ rõ: Mừng sinh nhật, đám cưới, hay một cuộc kỷ niệm gì đó, tôi không nhớ rõ. Lúc ấy tôi còn nhỏ, nên không được phép uống rượu, nhưng tôi rất thích cung cách người lớn uống rượu. Sau khi rót rượu vào ly, cậu tôi cầm ly, dùng cả hai tay nắm lấy ly, lắc nhẹ để hương thơm tỏa lên mũi, rồi nhìn những người xung quanh bàn ăn, nhắp một ngụm nhỏ và khen: “Tuyệt, rượu ngon tuyệt… đưa chai đây coi… rượu này chắc phải trên 50 tuổi”.

    Cậu An-tôn, anh cả của má tôi, là một linh mục có tước vị Đức Ông, cậu là người có thẩm quyền phán đoán về nhiều việc, kể cả quyền phán đoán về phẩm chất của rượu. Mỗi lần cậu An-tôn đến nhà dùng bữa, cậu thường đưa ra một vài nhận xét về rượu được dùng trong bữa ăn. Chẳng hạn cậu nói: “Rượu này đúng là nguyên chất”, hoặc: “Không ngờ”, hay: “Giá nặng hơn chút nữa thì tuyệt”, hay:“Rượu này mà dùng với thịt nướng thì hết xẩy”, hoặc: “Ăn cá mà dùng rượu này cũng tạm được”… Ba tôi là ngươi cung cấp rượu, nhiều khi ông không đồng ý với những nhận xét của cậu, nhưng không bao giờ dám cãi. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi rất thích những cung cách người lớn uống rượu. Anh em chúng tôi thường hay nói dỡn với cậu: “Chẳng cần nhìn nhãn hiệu, cậu cũng đoán được tuổi của rượu. Chắc cậu là chuyên viên, phải không?”.

    Từ những cung cách người lớn uống rượu, tôi học được một điều hay, đó là:Uống rượu không nguyên chỉ uống mà thôi, mà còn phải biết mình uống gì nữa, để có thể bàn luận và phê phán về rượu mình uống. Cũng vậy, sống cuộc đời chưa đủ, nhưng còn phải biết mình sống cuộc đời nào nữa. Cuộc sống thiếu ý thức, không được suy tư, không được đánh giá, chỉ là cuộc sống vô nghĩa không đáng sống, chẳng khác gì gẩy đàn tai trâu mà thôi. Vì bản chất của con người là nhìn ngắm, suy tư, bàn luận, đánh giá và đưa ra ý kiến về cuộc đời mình. Phân nửa cuộc sống của ta là những suy tuy về: các thực tại ta sống. Chẳng hạn ta suy tư về cuộc sống của ta có đáng sống hay không; phải chăng cuộc sống ấy tốt đẹp? Hay tồi tệ? Niềm vui hay nỗi đau buồn của cuộc sống không nguyên do những thực tại ta sống gây ra, mà còn do ý nghĩ và cảm nghiệm chủ quan của ta về những thực tại ấy nữa. Nghèo khó hay giầu sang, thành công hay thất bại, tốt đẹp hay xấu xa, đó là những thực tại ta sống. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những thực tại ấy trên cuộc sống của ta không phải là tuyệt đối, nhưng chỉ tương đối thôi. Chẳng hạn cảm nghiệm của một người nghèo khi nghĩ đến cảnh bần cùng của mình, rồi so sánh hoàn cảnh của mình với cảnh giầu sang phú quí của người hàng xóm, sẽ hoàn toàn khác với cảm nghiệm của người nghèo ấy khi so sánh cảnh túng cực của mình với một người hàng xóm nghèo khó hơn mình. Suy tư về cuộc đời là điều cốt yếu giúp ta tăng trưởng, phát huy và thay đổi cuộc sống. Đó là quyền năng duy nhất của con người.

    Cầm lấy chén cuộc đời có nghĩa là nhìn thẳng vào đời mình, quan sát kỹ những gì ta sống. Để thực hiện được như thế, ta cần phải có một can đảm phi thường, vì khi khảo sát như vậy, ta sẽ phải kinh hoàng về những gì ta quan sát được, sẽ phải khiếp đảm về biết bao vấn nạn ta phải đương đầu mà không sao tìm được câu trả lời thỏa đáng, sẽ phải hoài nghi về những thực tại mà trước đây ta vẫn coi là chắc như đinh đóng cột, sẽ phải lo âu sợ hãi về những gì có thể xẩy ra bất ngờ. Từ những cảm nghiệm đó, chúng ta thường bị cám dỗ xúi giục: “Thôi kệ, cứ sống cho qua ngày đi. Suy nghĩ làm chi cho thêm mệt xác và chỉ làm cho cuộc đời thêm rắc rối mà thôi”. Đàng khác chúng ta cũng biết, thiếu suy tư về cuộc sống, ta sẽ không thể nhìn rộng thấy xa và sẽ mất hướng đi của cuộc đời. Uống chén cuộc đời mà trước tiên không cầm lên để xem mình uống gì thì có thể ta sẽ “bị say” mà bước đi theo hướng vô định.

    Cầm lấy chén cuộc đời, đó là một kỷ luật khó khăn. Cũng như khi khát, người ta có khuynh hướng uống một hơi cho đã khát. Phải kiềm chế thúc đẩy uống một hơi cho đã, rồi với hai tay cầm lấy chén và tự hỏi: “Tôi được mời uống gì đây? Uống chén ấy có an toàn không? Có tốt không? Có bổ dưỡng không?”.



    Cũng như có nhiều thứ rượu khác nhau thế nào, thì cũng có vô số cuộc sống khác nhau như vậy. Không bao giờ có thể có hai cuộc sống hoàn toàn giống nhau như đúc được. Chúng ta thường so sánh cuộc sống của ta với cuộc sống của người khác và luôn cố gắng định giá xem cuộc sống của ta khá hơn hay tệ hơn, những so sánh ấy chẳng ích lợi gì. Ta phải sống chính cuộc đời của mình, chứ không phải cuộc sống của người khác. Phải cầm lấy chén cuộc đời mình và dám nói: “Đây là cuộc đời của tôi, cuộc đời được ban cho tôi, đó là cuộc sống tôi phải gắng hết sức để sống.Cuộc sống của tôi là một cuộc sống độc nhất. Không ai có thể sống cuộc sống ấy thay cho tôi được. Tôi có một lịch sử riêng, gia đình riêng, thân xác riêng, cá tính riêng, bạn bè riêng, lối suy nghĩ, nói năng và hành động riêng; quả thực tôi có một cuộc sống riêng để sống. Mỗi người đều phải đối diện với những thách đố riêng. Tôi đơn độc vì tôi là một cá thể độc nhất. Nhiều người có thể giúp tôi sống cuộc đời tôi, nhưng sau khi họ đã làm tất cả những gì có thể, thì chính tôi mới là người phải sống cuộc đời mình”.

    Nói được với mình như vậy không phải dễ, vì nói được như vậy là ta phải đối diện với thực tại duy nhất và độc đáo của mình. Nhưng đó cũng là một thách đố phi thường, vì nói được như vậy là nhìn nhận tính cách duy nhất và độc đáo của cuộc đời mình.

    Tôi được biết ý nghĩa sâu xa thâm thúy của bức tượng ở bảo tàng viện Phrút-len (Fruitlands) tại Ha-va (Harvard) do Phi-líp Xia (Philip Sears) sáng tác về một người thổ dân Mỹ. Bức tượng với thân hình đứng thẳng, trong dáng điệu tuyệt mỹ, thân thể trần trụi chỉ mang một manh khố duy nhất. Ông vươn mình lên trời, tay trái cầm cây cung, tay phải dường như còn đang nắm mũi tên vừa được bắn lên các vì sao.Ông tỏ ra hoàn toàn bình tĩnh và đầy tin tưởng, con người ông gắn liền với mặt đất, nhưng ông cũng hoàn toàn tự do hướng về chân trời xa xăm. Ông biết rõ ông là ai. Ông hãnh diện là một chiến binh duy nhất được kêu gọi để hoàn thành một sứ vụ thánh độc đáo. Ông thực sự nắm chặt lấy cuộc đời mình.

    Cũng giống như người chiến sỹ ấy, chúng ta phải nắm chắc lấy chén cuộc đời mình và phải khẳng định rằng: ta là ai, ta được kêu gọi để sống cuộc sống nào. Phải như vậy, chúng ta mới có thể hướng lên cao và nhằm thẳng lên các vì sao trên bầu trời cao thẳm được.



    Teresa




Về Đầu Trang Go down
Teresa
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
Teresa

Tổng số bài gửi : 283
Điểm NHIỆT TÌNH : 571
Ngày tham gia : 14/11/2009

CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)   CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) EmptySun Jul 29, 2012 10:06 pm




    CHÉN CUỘC ĐỜI
    Phần II

    “Khi trưởng thành hơn thì những giây phút đen tối nội tâm cũng sẽ tan biến dần”.

    Hay là: “Tuổi tác sẽ làm cho nhu cầu tình cảm giảm dần đi”

    CHÉN ĐAU KHỔ

    Vừa tới Đây-brêch (Daybreak), tôi đã nhận thấy ngay biết bao đau khổ chồng chất ở nơi đây.

    Tôi được trao phó trách nhiệm săn sóc cho A-đam, một thanh niên 22 tuổi, không nói được, không tự đi đứng được, và cũng không có dấu gì chứng tỏ anh có thể nhận thức được các sự vật bên ngoài. Lưng anh bị còng một cách thảm hại, ngày nào anh cũng lên cơn động kinh và thường bị quặn đau trong ruột. Khi mới gặp A-đam, tôi rất sợ. Những khuyết tật của anh như một bức tường ngăn cách anh với tôi, anh là người mà tôi chỉ muốn tìm mọi cách để xa lánh.
    Ngay sau khi gặp A-đam, tôi được biết anh của anh là Mai-cô (Michael). Mai-cô tuy có thể nói được chút ít, tự đi đứng được và có thể làm được một vài việc lặt lặt, nhưng khuyết tật của anh cũng cần phải được săn sóc liên tục ngày đêm. A-đam và Mai-cô là hai con trai duy nhất của ông Rec-sơ (Rex) và bà Gian (Janne). Mai-cô sống với gia đình cho tới năm 25 tuổi, còn A-đam thì tới 18 tuổi. Ông Rec-sơ và bà Gian chỉ muốn giữ các con ở nhà. Nhưng rồi nguồn tài chánh cứ mỗi ngày một kiệt quệ dần, nên họ đành phải gởi các con vào cộng đoàn Đây-brêch (Daybreak), với hi vọng rằng nơi đây sẽ là mái ấm cho các con của họ. Tôi hết sức kinh ngạc trước những đau khổ đè nặng trên gia đình nhỏ bé này. Quả thực, những lo âu và đau thương, mối lo sợ về những biến chứng bất ngờ có thể xẩy ra, sự bất lực trong việc cảm thông, ý thức về trách nhiệm nặng nề, mối băn khoăn về cuộc sống mỗi ngày một khó khăn khi tuổi già tăng thêm, tất cả đều đè nặng lên bốn con người này.
    Lại còn Trê-xi (Tracy) bị bất toại hoàn toàn, nhưng đầu óc thì vẫn minh mẫn, lúc nào cũng cố gắng tìm cách biểu lộ cảm nghĩ và tư tưởng của mình. Xu-gian (Susanne) thì không những bị khuyết tật về tâm trí, mà cả diện mạo của cô cũng bị biến dạng nữa, khiến cho cô không thể chịu đựng được. Lô-ret-ta (Loretta) thì cảm thấy vì tật nguyền, nên bị gia đình và bạn bè ruồng bỏ, cô chỉ khao khát được người ta chấp nhận và vỗ về, nhưng vì không được như vậy, nên nhiều khi cô đâm ra chán nản, tuyệt vọng. Ngoài ra, còn Đa-vít, Phran-xis, Pa-tric, Gia-nis, Ca-rôn, Goóc-đi, Gioc-giơ, Pat-xi… mỗi người đều có một chén đầy tràn đau khổ.
    Bên cạnh họ là những người thuộc nhiều lứa tuổi, xứ sở và tôn giáo khác nhau, họ là những người tình nguyện đến đây để phục vụ cho những người tàng tật này. Nhưng rồi chẳng bao lâu, họ lại khám phá ra, chính những người họ săn sóc đã giúp họ khám phá ra những nỗi khổ đau riêng của mình. Những đau khổ này tuy ít được bộc lộ ra bên ngoài, nhưng đó cũng là những đau khổ thực sự, những đau khổ ấy có thể là: gia đình tan vỡ, thiếu mãn nguyện trong đời sống tình dục, thiếu đời sống thiêng liêng, những lo âu về nghề nghiệp bấp bênh và nhất là những trắc trở trong các mối tương quan với người khác. Càng nhìn vào quá khứ bị tổn thương và phải đương đầu với tương lai bấp bênh, họ lại càng nhận ra những đau khổ lớn lao nơi cuộc sống riêng của họ.

    Đối với cá nhân tôi, vấn đề cũng chẳng khả quan hơn chút nào. Sau mười năm sống với những người khuyết tật tâm trí và các trợ tá của họ, tôi đã ý thức sâu xa về tâm hồn đầy đau khổ của riêng tôi. Trước những đau khổ ấy, có lần tôi đã tự nhủ:
    - “Sang năm rồi mọi chuyện sẽ qua đi”. hoặc:
    - “Khi trưởng thành hơn thì những giây phút đen tối nội tâm cũng sẽ tan biến dần”.
    Hay là:
    - “Tuổi tác sẽ làm cho nhu cầu tình cảm giảm dần đi”.
    Nhưng bây giờ tôi thấy rõ, những đau khổ ấy vẫn đeo đẳng bên tôi và chúng sẽ chẳng bao giờ rời xa tôi. Quả thực, tôi biết rõ những đau khổ triền miên và thâm sâu của tôi, và cho dù tôi cố gắng lạc quan cách mấy chăng nữa thì những đau khổ ấy cũng vẫn chẳng giảm bớt chút nào. Chẳng hạn nỗ lực đi tìm một người yêu của thời niên thiếu vẫn còn đó; những đòi hỏi được người khác nhìn nhận mình là con người trưởng thành vẫn luôn mãnh liệt trong tôi; cái chết của má tôi cũng như của những người thân yêu khác và của các bạn bè vẫn luôn là những vết thương nhức nhối không nguôi nơi cuộc sống của tôi. Ngoài ra, tôi còn bị ray rứt về một nỗi khổ tâm sâu xa khác là không trở thành con người như tôi mong ước; và Thiên Chúa, Đấng mà tôi hằng tha thiết cầu nguyện đã không ban cho tôi điều tôi khao khát.
    Những nỗi đau khổ của một cộng đoàn nhỏ bé ở Ca-na-đa so với những đau khổ của một thành phố, của một quốc gia và của cả thế giới thì những đau khổ của cộng đoàn nhỏ bé ấy quả thực chỉ là hạt cát, chẳng có chi đáng kể: Nào là đau khổ của những người vô gia cư hành khất trên vỉa hè ở Tô-rôn-tô, nào là những đau khổ của biết bao người đang chết dần chết mòn vì bệnh SIDA (AIDS), và còn hàng ngàn người sống trong các trại tù, nhà thương, viện dưỡng lão. Nào là đau khổ của những gia đình tan vỡ, của những người thất nghiệp và biết bao người khuyết tật khác không tìm được nơi nương tựa an toàn như ở Đây-brêch.
    Nếu đưa tầm mắt ra ngoài lãnh thổ của một thành phố, một quốc gia, ta sẽ phải hết sức bàng hoàng trước những đau khổ của cả thế giới. Ta sẽ thấy những trẻ mồ côi lang thang trên các hè phố ở Sao Pao-lô như những bầy sói đói ăn lang thang kiếm mồi; những cảnh người ta bán các trẻ em trai gái ở Băng-cốc để làm điếm; những tù nhân chiến tranh gầy mòn tiều tụy trong các trại tập trung ở Giu-gôs-la-vi-a; những tấm thân trần truồng ốm yếu ở Ê-thi-ô-pi-a và Sô-ma-li-a lang thang vô định giữa sa mạc khô cháy; hàng triệu gương mặt hốc hác và cô độc trên toàn thế giới, từng đống xác chết do những cuộc chiến tranh tàn khốc và những cuộc tranh chấp chủng tộc gây ra. Đó là chén của ai? Chén của chúng ta, chén đau khổ của nhân loại. Mỗi người đều có những đau khổ riêng, tất cả lại còn phải chịu nỗi đau khổ chung của nhân loại và của thân phận con người nữa.

    Bây giờ tôi nhìn lên Con Người Đau Khổ bị treo trên thập giá, hai tay giang ra. Đó là Chúa Giê-su, Đấng bị Pon-xi-ô Pi-la-tô kết án, bị lính Rô-ma đóng đinh, bị người Do-Thái và Dân Ngoại nhạo báng. Nhưng cả chúng ta nữa, toàn thể nhân loại, gồm tất cả mọi con người ở khắp nơi và mọi thời, chúng ta cũng bị đưa lên khỏi đất để toàn thể vũ trụ nhìn xem cảnh hấp hối của ta. Chúa Giê-su phán: “Một khi được giương lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi” (Ga.12:32). Chúa Giê-su, Con Người Đau Khổ, và chúng ta, dân tộc đau khổ, khi bị treo lên giữa trời và đất, đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc.15:34).
    Chúa Giê-su hỏi các bạn Người: “Các ngươi có uống nổi chén Ta sẽ uống không?”. Họ thưa: “được”, nhưng thực sự họ chẳng có chút ý niệm gì về chén mà Chúa muốn nói tới. Chén của Chúa Giê-su là chén đau khổ, chén đó không nguyên chỉ là những đau khổ riêng của Người, mà còn là những đau khổ của toàn thể nhân loại nữa. Đó là chén đầy tràn đau khổ thể chất, tâm thần và thiêng liêng. Đó là chén mà I-sa-i-a gọi là “chén lôi đình, người đã cạn chén nồng choáng váng” (Is.51:17), và đó cũng là chén mà Thiên Thần thứ hai trong sách Khải Huyền gọi là “rượu lôi đình” (Kh.14:8), mà dân Ba-bi-lon đã rót ra cho mọi dân tộc uống.
    Lúc phải uống chén đau khổ ấy, Chúa Giê-su đã phải nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt.26:38), và cơn hấp hối tâm thần của Người đã đạt tới mức độ khủng khiếp đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc.22:44). Các bạn thân thiết của Người là Gia-cô-bê và Gio-an, những kẻ mà Người đã từng hỏi: “các ngươi có thể uống được chén Ta sắp uống không?”, lúc ấy cũng đang ở trong Vườn Cây Dầu với Người, nhưng họ đều ngủ mê mệt và không thể thức với Người trong cơn hấp hối tâm thần khủng khiếp ấy. Trong cảnh cô đơn cùng cực, Người đã phục xuống đất và kên lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này” (Mt.26:39). Chính Chúa Giê-su cũng cảm thấy không thể uống nổi chén đau khổ ấy. Chén quá đầy đau thương không thể cầm lên nổi, quá đầy khổ não không thể nắm lấy được, quá đầy những cơn hấp hối khủng khiếp không thể chịu đựng được. Chúa Giê-su cảm thấy Người không thể uống nổi chén quá đầy đau khổ ấy.
    Nhưng tại sao Người vẫn thưa “xin vâng”? Tôi không thể trả lời đầy đủ câu vấn nạn này được, chỉ xin nhấn mạnh một điều là, ngoài tất cả những từ bỏ mà Chúa Giê-su thực hiện nơi thể xác và tâm thần, Người còn có một mối giây ràng buộc thiêng liêng vô cùng mật thiết với Đấng mà Người gọi là Ap-ba (Ba). Người còn có một niềm tin vượt trên mọi phản bội, một tinh thần từ bỏ vượt trên mọi tuyệt vọng, một tình yêu vượt trên mọi sợ hãi. Chính giây ràng buộc mật thiết vượt trên mọi tình thân thiết nhân loại này đã giúp Chúa Giê-su biến lời cầu xin tha uống chén đắng thành lời nguyện dâng lên Đấng đã gọi Người là “Kẻ Sủng Ai của Ta”. Cho dù nỗi đau khổ lớn lao cách mấy cũng không thể cắt đứt được mối giây tình yêu giữa Người với Cha Người. Mối giây tình yêu ấy không thể cảm nghiệm được ở nơi thân xác hay tâm thần. Nhưng đó là một thực tại thực sự. Chính mối giây tình yêu ấy đã duy trì được mối hiệp thông khỏi mọi tan vỡ. Chính nhờ nguồn sức mạnh thiêng liêng, nhờ mối giây hiệp thông mật thiết với Cha mà Chúa Ki-tô đã có đủ can đảm cầm lấy chén và thân thưa: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt.26:39).
    Khi suy tư về tâm hồn đầy đau khổ của tôi, khi nhìn vào cộng đoàn nhỏ bé của tôi bao gồm những người khuyết tật và các nhân viên phụ tá, khi thấy những ngưởi nghèo ở Tô-rôn-tô và những đau khổ lớn lao của biết bao con người nam nữ, già trẻ, lớn bé ở trên hành tinh này, tôi không hiểu lời thưa “xin vâng” sẽ phải phát ra từ đâu? Từ đáy tâm hồn tôi và từ nơi tâm hồn của mọi người, dường như tôi nghe có tiếng gào thét: “Lạy Chúa, nếu có thể, xin cho chúng con khỏi uống chén này”. Trong tiếng thét gào ấy, tôi nghe như có tiếng yếu ớt của một thanh niên bị bệnh SIDA đang chìa tay ăn xin ở hè phố Giông-ghê, tiếng rên rỉ của các hài nhi đang chết dần chết mòn vì đói khát ở vùng sa mạc Phi Châu, tiếng la thét rùng rợn của những tù nhân bị tra tấn tàn nhẫn, tiếng hô hoán giận dữ của đám biểu tình chống phát triển vũ khí nguyên tử và phá hoại trạng thái môi sinh của trái đất, và vô số những lời van xin công lý và hòa bình trên toàn thể thế giới. Đó là những lời cầu xin không phải như trầm hương ngào ngạt tỏa lên trước tôn nhan Thiên Chúa, mà là như những ngọn lửa bốc cháy dữ dội!
    Rồi lời thưa “xin vâng” sẽ phải phát ra từ đâu?: “Xin theo ý Cha, chứ không phải ý con”. Ai có thể nói lên được lời thưa “xin vâng” ấy nếu chưa hề nghe được tiếng nói của tình yêu? Ai có thể nói lên được lời thưa ấy nếu chưa từng được nghe tiếng nói âu yếm của Cha? Ai có thể nói được lời thưa ấy nếu chưa từng nhận được chút ủi an nào bao giờ? Trong cơn sầu não tột độ đến nỗi phải xin Cha tha uống chén đắng, Chúa Giê-su đã nhận được nguồn ủi an nâng đỡ từ trời cao. Thánh Lu-ca là người duy nhất thuật lại chi tiết sau: “Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc.22:43).
    Giữa đau khổ, vẫn luôn tiềm tàng niềm an ủi. Trong tăm tối, vẫn có tia sáng từ chân trời xa xôi. Trong thất vọng, vẫn lóe lên tia hi vọng. Nơi Ba-bi-lon lưu đày, hình bóng Giê-ru-sa-lem huy hoàng vẫn mờ mờ hiển hiện. Trước đạo binh của thần dữ, vẫn có thiên sứ chở che nâng đỡ. Và như vậy, chén đau khổ vượt mọi sức tưởng tượng vẫn tiềm tàng chén hoan lạc. Chỉ khi nào khám phá được chân lý ấy nơi cuộc sống, ta mới có đủ can đảm và dám uống chén đau khổ của mình.



    Teresa




Về Đầu Trang Go down
Teresa
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
Teresa

Tổng số bài gửi : 283
Điểm NHIỆT TÌNH : 571
Ngày tham gia : 14/11/2009

CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)   CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) EmptySun Jul 29, 2012 10:13 pm




    CHÉN CUỘC ĐỜI
    Phần III

    Chén cuộc đời vừa là chén hoan lạc, nhưng đồng thời cũng là chén đau khổ. Đây là chén mà trong đó đau khổ và niềm vui, buồn sầu và hoan lạc, khóc lóc và mừng vui, luôn hòa lộn với nhau, luôn gắn liền với nhau như hình với bóng.


    CHÉN HOAN LẠC

    Sau 9 năm sống trong cộng đoàn Đây-brêch, bây giờ những người như A-đam, Mai-cô, Biên, Trê-xi, Xu-gian, Lô-rét-ta, Đa-vít, Phran-xít, Pa-tric, Gia-nit, Ca-rôn, Goóc-đi, Gioc-giơ và nhiều người khác nữa ở trong cộng đoàn này đã trở thành những bạn thân thiết của tôi, và không những chỉ là những bạn thân mà thôi, nhưng họ còn là thành phần gắn bó mật thiết với đời sống của tôi nữa. Mặc dầu họ vẫn là những người khuyết tật như khi tôi mới gặp họ, nhưng bây giờ ít khi tôi coi họ như những người khuyết tật. Bây giờ tôi coi họ như những anh chị em mà chúng tôi cùng nhau chia sẻ cuộc sống. Tôi cùng cười, cùng khóc, cùng ăn uống, cùng đi coi xi-nê, cùng cầu nguyện và chia sẻ những cuộc cử hành với họ, nói tóm lại, tôi đã chia sẻ cuộc sống của tôi với họ. Họ thực sự đã đem lại niềm vui tràn trề và lớn lao cho tôi.

    Sau khi săn sóc cho A-đam được ít tháng, tôi không còn sợ anh nữa. Ban sáng, tôi đánh thức anh dậy, tắm rửa và đánh răng cho anh, cạo râu cho anh, rồi đút cho anh ăn sáng. Tất cả đã tạo nên mối giây ràng buộc mật thiết giữa chúng tôi với nhau, đó là mối giây vượt mọi lời nói và những dấu chỉ nhận thức bề ngoài, đến nỗi tôi cảm thấy nhớ anh khi chúng tôi không thể ở bên nhau được. Thời gian tôi ở bên anh là khoảng thời gian cầu nguyện, thinh lặng và mật thiết. A-đam đã thực sự trở thành người kiến tạo hòa bình cho tôi, một người yêu mến tôi, tin tưởng nơi tôi, ngay cả khi tôi pha nước cho anh tắm và lỡ tay pha hơi quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc ngay cả khi tôi làm sứt mặt anh khi cạo râu cho anh, hay khi mặc cho anh những quần áo không hợp.

    Những cơn động kinh của anh không còn làm tôi hoảng hốt như trước nữa, mà chỉ làm tôi hoãn lại các bổn phận khác, để ở bên anh, săn sóc cho anh, đắp cho anh tấm mền dầy hơn cho đủ ấm. Những bước đi chậm chạp và khó khăn của anh không còn làm tôi khó chịu nữa, mà cho tôi cơ hội đứng đàng sau anh, ôm ngang lưng anh và khích lệ anh cẩn thận bước đi từng bước. Khi anh đánh đổ ly nước cam hoặc làm rớt muỗm đầy thức ăn xuống sàn nhà, tôi không còn lúng túng như trước nữa, mà bình thản cúi xuống lau chùi.

    Được biết A-đam, đó là một ân huệ cho tôi. Vì ai có thể gần gũi người khác hơn như giữa tôi với anh? Ai có thể sống mỗi ngày ít giờ bên cạnh con người tật nguyền đặt hết tin tưởng vào mình? Đó không phải là niềm vui lớn lao lắm sao?

    Còn Mai-cô, anh của A-đam: Tình bạn của anh còn là một ân huệ lớn lao hơn nữa cho tôi! Anh là người duy nhất trong cộng đoàn gọi tôi bằng danh hiệu “Cha Hen-ri”. Mỗi lần gọi như thế, một nụ cười tươi lại nở trên gương mặt rạng rỡ của anh với ngụ ý: anh cũng muốn “làm cha” như tôi. Với giọng nói ngập ngọng và lắp bắp, anh thường chỉ vào chiếc giây “stô-la” tôi đeo trên cổ và nói: “Tôi… cũng… muốn… cái đó… nữa!”. Mỗi lần Mai-cô buồn vì em của anh bị bệnh, hay vì chính anh bị lên cơn động kinh, hoặc khi phải xa lìa một người thân yêu, anh thường đến với tôi, ôm lấy tôi và để nước mắt tự do tuôn trào. Sau một lát, anh thường nắm lấy vai tôi và qua giòng lệ, anh nói: “Cha.. là.. người… thiệt..thiệt… thiệt là ngộ”. Khi chúng tôi cầu nguyện chung với nhau, anh thường chỉ vào ngực anh và nói: “Tôi… tôi.. cảm thấy… nó…có cái gì… ở trong đây… trong… trái tim”. Mỗi khi chúng tôi nắm tay nhau, niềm vui lại dạt dào dâng lên từ những đau khổ mà chúng tôi cùng nhau chia sẻ.

    Còn Biên nữa, một con người đã gặp không biết bao nhiêu trở ngại trong cuộc sống, anh đã trở thành người bạn rất đặc biệt đối với tôi. Anh thường theo tôi đi khắp nơi trong các chuyến du thuyết của tôi. Qua nhiều năm, chúng tôi đã đi hết Oa-xinh-tân đến Niu-Gióc, rồi Los Ăng-giê-les và nhiều nơi khác nữa. Bất cứ nơi nào chúng tôi tới, thì sự hiện diện vui tươi của Biên cũng không kém phần quan trọng hơn những lời giảng thuyết hùng hồn của tôi. Biên thích kể chuyện tếu. Với cách thức đơn sơ, bộc trực và vô tư, anh có thể giúp vui cho mọi người cả giờ, cho dù họ là ngững người giầu sang hay nghèo hèn, những bậc vị vọng hay người bình dân, giám mục hay những người hầu bàn, dân biểu hay người điều khiển thang máy, những chuyện tếu của anh đều thích hợp với mọi người. Nhưng đôi khi những đau khổ dường như vượt quá sức chịu đựng của anh, chẳng hạn khi anh nói về A-đam, một người khuyết tật không nói được; hay về Trê-xi, một người không thể đi được, anh bỗng òa lên khóc, rồi quàng tay lên vai tôi và khóc sướt mướt một cách hồn nhiên. Một lát sau, anh lại mỉm cười và tiếp tục câu chuyện.

    Rồi đến nụ cười rạng rỡ của Trê-xi khi có người bạn đến thăm, sự săn sóc dịu dàng của Lô-ret-ta đối với những người khuyết tật nặng hơn cô; và còn biết bao những cử chỉ nhỏ mọn khác của Đa-vít, Gia-nít, Ca-rôn, Goóc-đi, Gióc-giơ và của những người khác biểu lộ sự quan tâm săn sóc đối với nhau và đối với các nhân viên phụ tá, tất cả đều là những dấu chỉ của niềm vui.

    Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết bao thanh niên nam nữ từ khắp nơi muốn tới Đây-brêch để được gần gũi những con người đặc biệt này. Họ tới để săn sóc và giúp đỡ những người khuyết tật này, và họ lưu lại nơi đây chính là vì những người họ săn sóc đã đem lại cho họ niềm vui và bình an mà họ khó có thể tìm gặp được ở nơi nào khác. Một điều chắc chắn là những người khuyết tật ở Đây-brêch đã giúp họ đối diện với những khuyết tật của chính họ, những vết thương và đau khổ nội tâm của họ, những niềm vui do cuộc sống chung trong tình bằng hữu chân thành với những người yếu đuối không những đã giúp họ chịu đựng những đau khổ riêng của mình, mà còn trở thành nguồn cảm tạ sâu xa nữa.

    Mặc dầu chưa bao giờ tôi phải đau khổ, khóc lóc và dằn vặt nhiều như khi ở Đây-brêc, nhưng đời sống của tôi nơi cộng đoàn này cũng tràn ngập niềm vui và tôi cảm thấy không một nơi nào khác tôi được người ta hiểu biết hơn như ở cộng đoàn nhỏ bé này. Nơi đây, tôi không thể giấu được những bất nhẫn, giận dữ, chán nản, buồn bực đối với những người cảm nghiệm được cách sâu xa về những yếu đuối của mình. Khát vọng tình bạn, tình cảm và khát vọng được người khác nhìn nhận, tất cả đều được phơi bày trước mọi người. Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được cách sâu xa rằng, bản chất linh mục chính là cảm thông. Chức linh mục của Chúa Giê-su được diễn tả qua thơ gởi tín hữu Do Thái là chức linh mục gắn liền với những khổ đau của nhân loại. Coi mình là linh mục của hôm nay, điều đó thách đố tôi phải xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi bệ đài, mọi tháp ngà, để có thể liên đới những yếu đuối của cá nhân tôi với những yếu đuối của mọi người mà tôi chung sống. Đó quả là một niềm vui lớn lao! Niềm vui của ý thức “được thuộc về”, “được là thành phần” của cộng đoàn và không có gì khác biệt với bất cứ ai.
    Một cách nào đó, đời sống của tôi ở Đây-brêch đã giúp tôi mở mắt ra và tìm được niềm vui ở chính nơi mà nhiều người chỉ thấy toàn là đau khổ. Vì thế khi nói chuyện với một người vô gia cư trên đường phố ở Tô-rôn-tô, tôi không còn sợ hãi nữa. Tiền bạc bây giờ không còn là vấn đề chính, mà là: “gốc gác ông ở đâu? Bạn bè của ông là những ai? Những gì đã xẩy ra cho ông?”. Rồi những ánh mắt bỗng gặp nhau, tay nắm tay, và rất thường là một nụ cười, một tiếng cười bỗng phá lên và một thoáng niềm vui dâng trào trong tâm hồn. Đau khổ vẫn còn đó, nhưng cũng có cái gì biến đổi hẳn cục diện, khiến tôi không còn giữ thái độc đứng trước một người khác nữa, mà là ngồi xuống với họ và chia sẻ phút giây bên nhau.

    Còn nỗi đau khổ vô biên của cả thế giới thì sao? Làm sao có thể tìm được niềm vui nơi những người đang hấp hối, những người đói khát, những người bị cưỡng bách phải đi vào con đường làm điếm, những người phải dứt bỏ quê hương thân yêu đi di cư tị nạn, những người tù đày, bị tra tấn dã man? Ai có thể dám nói đến niềm vui trước những đau khổ lớn lao không miệng lưỡi nào tả xiết được đang diễn ra ở xung quanh ta?

    Phải, chính ở nơi đó, những ai có can đảm đi sâu vào nỗi đau khổ của nhân loại, sẽ khám phá ra được niềm vui giấu kín ở đó như hạt kim cương quí giá được giấu kín trong vách đá nơi động tối. Tôi thoáng nhận ra điều ấy khi sống với một gia đình nghèo cùng cực ở Pam-plô-ma An-ta, một trong những thành phố mới ở ngoại ô của Li-ma, Pê-ru. Tôi chưa từng thấy cảnh nghèo nàn nào cùng cực hơn như vậy. Nhưng khi nhớ lại suốt ba tháng tôi sống với Pa-blô, khi hồi tưởng đến Ma-ri-a và các con của họ, thì những tiếng cười rộn rã, những gương mặt vui tươi, những cử chỉ ôm choàng lấy nhau, những trò chơi đơn sơ, những buổi chiều ngồi tán gẫu bên nhau, tất cả lại trào dâng nơi ký ức tôi. Niềm vui thực sự chính là ở nơi đó. Niềm vui này không dựa trên thành công, tiến bộ, hay giải pháp cho tình trạng nghèo đói của họ, mà là tinh thần kiên cường và đầy linh động giữa mọi nghịch cảnh. Sau 10 tháng làm việc cho chương trình cứu trợ ở Roan-đa, bà Hit-đơ không nguyên chỉ tuyệt vọng mà thôi, nhưng còn tìm được nguồn hi vọng, can đảm, tình yêu, niềm tin tưởng và sự săn sóc tận tụy thực sự nữa. Tâm hồn bà bị bấn loạn, nhưng không hề bị dập nát. Bởi thế, khi trở lại Hoa Kỳ, bà đã dấn thân tích cực hơn cho công cuộc phục vụ công lý và hòa bình. Quả thực, niềm vui của sự sống thì mãnh liệt hơn nỗi khổ đau của sự chết.

    Chén cuộc đời vừa là chén hoan lạc, nhưng đồng thời cũng là chén đau khổ. Đây là chén mà trong đó đau khổ và niềm vui, buồn sầu và hoan lạc, khóc lóc và mừng vui, luôn hòa lộn với nhau, luôn gắn liền với nhau như hình với bóng. Nơi nào chỉ toàn là đau khổ và không hề tiềm tàng chút niềm vui nào thì không ai có thể uống nổi chén cuộc đời được. Chính vì thế ta phải cầm lấy chén trong tay, nhìn cho thật kỹ để có thể nhận ra những niềm vui được che giấu dưới lớp vỏ cứng của những đau khổ.

    Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su trên thập giá, đó lại chẳng phải là con người của niềm vui hay sao? Khó có thể nhận ra được niềm vui nơi thân xác trần truồng, bị hành hạ tàn nhẫn và bị treo trên cây thập giá với hai tay giang thẳng ra. Nhưng thập giá của Chúa Giê-su cũng thường được coi là ngai tòa huy hoàng của Vua ngự. Nơi đó, thân xác Chúa Giê-su được diễn tả không phải chỉ là thân xác bị tan nát vì đòn đánh và bị đóng đinh, mà còn là một thân xác sáng láng, huy hoàng với những thương tích thánh.

    Thập giá đã phán với Thánh Phan-xi-cô At-xi-gi ở San Đa-mi-a-nô là một thí dụ điển hình. Thập giá diễn tả Chúa Giê-su bị đóng đinh là một Chúa Giê-su chiến thắng. Thập giá được mạ vàng lộng lẫy. Thân xác Chúa Giê-su là một thân xác nhân loại toàn vẹn, tinh tuyền. Thanh gỗ ngang mà Chúa bị treo lên được sơn như một nấm mồ mở toang nơi Người sống lại. Những người đứng dưới chân thập giá gồm có: Mẹ Ma-ri-a và thánh Gio-an, tất cả đều biểu lộ niềm vui tràn trề. Trên đỉnh thập giá là bàn tay của Đức Chúa Cha, với các Thiên Thần bao quanh, đang kéo Chúa Giê-su về trời.

    Đây là thập giá phục sinh mà Chúa Giê-su được đưa lên đài vinh quang. Lời Chúa phán: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi” (Ga.12:32), những lời này không nguyên ám chỉ Người sẽ bị đóng đinh trên thập giá, mà còn ám chỉ cuộc Phục Sinh của Người nữa. Vì thế “được giương lên” không nguyên ám chỉ Đấng bị đóng đinh, mà còn ám chỉ Đấng Phục Sinh nữa. “Được giương lên” không nguyên ám chỉ cơn hấp hối đau thương khủng khiếp, mà còn ám chỉ cơn hôn mê ngây ngất trong niềm hoan lạc nữa. “Được giương lên” không nguyên ám chỉ đau khổ chết chóc, mà còn ám chỉ cả niềm hoan lạc phục sinh nữa.

    Chúa Giê-su đã ám chỉ rõ rệt như vậy khi Người nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môi-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga.3:13-15). Trong sa mạc, ông Môi-sê đã treo con rắn đồng lên để làm biểu hiệu chữa lành cho những ai bị rắn cắn và nhìn lên biểu tượng này (Ds.21:8-9). Thập giá Chúa Giê-su cũng là biểu hiệu chữa lành không những các vết thương thể xác, mà cả tình trạng tử vong của nhân loại nữa. Đấng Phục Sinh đã kéo mọi sự lên với Người trong cuộc sống mới và vĩnh cửu. Khi Chúa Giê-su kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mt.27:46), Người đã không kêu lên trong tuyệt vọng, mà là trong niềm tin yêu phó thác trọn vẹn nơi Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc.23:46). Nếu Chúa Giê-su đã chia sẻ trọn nỗi đau khổ của ta, thì Người cũng muốn chia sẻ trọn niềm vui của Người với ta nữa. Chúa Giê-su, con người của niềm vui, Người muốn ta trở thành dân tộc của niềm hoan lạc.

    “Các ngươi có thể uống được chén Ta sẽ uống không?”. Khi đặt câu hỏi đó với Gio-an và Gia-cô-bê, và trong cơn bốc đồng vô ý thức, các ông thưa “được”, sau đó Chúa đã đưa ra lời tiên đoán rất đáng sợ, nhưng cũng tràn đầy hi vọng: “Phải, các ngươi sẽ uống chén Ta”. Như vậy chén của Chúa Giê-su cũng sẽ là chén của các ông. Cuộc sống của Chúa Giê-su thế nào thì cuộc sống của họ cũng sẽ phải như vậy. Chúa Giê-su không hề muốn các bạn của Người phải đau khổ, nhưng Người cũng biết rõ, đối với họ cũng như đối với Người, đau khổ là con đường duy nhất và thiết yếu để đạt tới vinh quang. Sau này Người cũng nói với hai môn đệ đi E-mau như vậy: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào được vinh quang của Người sao?” (Lc.22:26). “Chén đau khổ” và “chén hoan lạc” không thể tách rời nhau được. Chúa Giê-su thấu rõ điều đó hơn ai hết, nhưng Người cũng cần một thiên sứ từ trời xuống để nhắc nhở Người khi cơn sầu não lên tới tột độ và khi tâm hồn Người “buồn sầu đến chết được” (Mt.26:38). Chén của ta cũng tràn đầy sầu não đến nỗi dường như không có một chút bóng dáng niềm vui ở đó được. Khi bị nghiền nát như những trái nho, chúng ta khó có thể nghĩ rằng nhờ vậy mà chúng ta sẽ trở thành rượu nho thơm nồng. Khi đau khổ chồng chất làm ta ngã quị và mồ hôi máu toát ra, lúc ấy ta cũng cần được nhắc nhở rằng, chén đau khổ của ta cũng tiềm ẩn chén hoan lạc và một ngày kia chúng ta sẽ được nếm hương vị ngọt ngào của niềm vui ấy, cũng như bây giờ ta đang phải nếm vị đắng đót của đau khổ.

    Ngay sau khi thiên sứ đem lại sức mạnh cho Chúa Giê-su, Người đã can đảm đối diện với Giu-đa và cả toán lính đến bắt Người. Rồi khi Phê-rô tuốt gươm ra chém người đầy tớ của vị thượng tế, Chúa Giê-su đã bảo ông: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga.18:11).

    Tới lúc này, Chúa Giê-su không còn lo sợ gì nữa. Trái lại, Người đã hiên ngang đứng trước địch thủ với một thái độ điềm tĩnh phi thường và hoàn toàn tự do. Người cầm lấy chén đầy đau khổ, nhưng cũng chứa chan niềm vui. Đó là niềm vui phát sinh do ý thức rằng, những gì Người sắp phải chịu là do Thánh Ý Cha và những đau khổ ấy sẽ giúp Người hoàn thành sứ mạng Đức Chúa Cha trao phó. Thánh Gio-an đã cho ta thấy sức mạnh phi thường của Chúa Giê-su sau khi Người được thiên sứ an ủi. Sức mạnh ấy đã khiến các thù địch của Người phải kinh hoàng khiếp vía và té nhào xuống đất: “Đức Giê-su biết mọi sự sắp xẩy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai?”. Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-gia-rét”. Người nói: “Chính tôi đây”. Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất (Ga.18:4-6).

    Lời thưa “xin vâng” vô điều kiện của Chúa Giê-su đã đem lại cho Người một sức mạnh phi thường khiến Người sẵn sàng uống chén đắng, không phải với sự chấp nhận thụ động, nhưng với ý thức rõ rệt rằng, giờ chết của Người cũng sẽ là giờ vinh quang. Lời thưa “xin vâng” ấy đã biến cuộc hiến dâng của Người thành tác động sáng tạo, một tác động làm phát sinh hoa trái phong phú. Lời thưa “xin vâng” làm gián đoạn sứ vụ của Người không còn là một rủi ro nữa. Nhưng thay vì là tận cùng, cái chết của Người đã trở thành khởi đầu cho một cuộc sống mới. Quả thực, lời thưa “xin vâng” đã đem lại cho Người niềm xác tín mãnh liệt vào một mùa gặt phong phú phát sinh do hạt giống chết đi.

    Niềm vui được giấu kín trong đau khổ! Tôi ý thức được chân lý này cách rõ rệt khi phải trải qua những cơn chán nản thất vọng. Tôi cũng thấu rõ chân lý ấy khi sống với những người khuyết tật, khi nhìn vào những ánh mắt của các bệnh nhân, khi sống với những nghèo khó cùng cực nhất. Tuy nhiên vì quên đi chân lý này, nên chúng ta thường bị đè bẹp và bị nghiền nát dưới nanh vuốt của khía cạnh đen tối do đau khổ gây ra. Chúng ta rất dễ quên những niềm vui của mình, mà chỉ chú tâm vào những đau khổ và coi đó như thực tại duy nhất của đời sống.

    Chúng ta cần nhắc nhở cho nhau rằng, chén đau khổ cũng chính là chén hoan lạc, tất cả những gì làm ta đau buồn đều có thể trở thành mảnh đất phì nhiêu làm phát sinh niềm hoan lạc phong phú. Quả thực, chúng ta cần trở thành những thiên sứ cho nhau, vì chỉ khi nào ta ý thức rõ ràng rằng, chén cuộc đời không nguyên chỉ là chén đau khổ, mà còn là chén hoan lạc nữa, lúc ấy ta mới sẵn sàng uống chén được trao ban cho ta.



    Teresa




Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)   CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch) Empty







    Sponsored content




Về Đầu Trang Go down
 

CHÉN CUỘC ĐỜI -Lm Henri Nowen - Lm. Dominic Thuần,SSS (dịch)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: Trang Giáo lý viên-
free counters