Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN Sudieptutroi

 

 Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN Vide
Bài gửiTiêu đề: Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN   Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN EmptyWed Oct 17, 2012 9:35 am






    TỌA ĐÀM VỀ ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ
    NGƯỜI GIÁO DÂN
    THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II
    Sáng 29/09/2012 t ại Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn



      ĐT I. Giáo huấn của Giáo hội về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội

      và xã hội (Giuse Lm Nguyễn Trọng Viễn OP).

      ĐT II. Người giáo dân trưởng thành (Gd Giêrônimô Nguyễn Văn Nội).

      ĐT III. Sự dấn thân của giáo dân trong các lãnh vực trần thế:

      Ơn gọi nên thánh trong môi trường sống (Bs Giuse Nguyễn Đăng Phần).







    ĐỀ TÀI II
    NGƯỜI GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH




    CÂU HỎI GỢI Ý
    1. Thế nào là người giáo dân trưởng thành?
    2. Làm thế nào để người giáo dân trưởng thành?





    I. VÀO ĐỀ

    Sáng ngày 17 tháng 10 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã cho công bố Tự Sắc về Năm Ðức Tin được đặt tên là "Porta Fidei" (Cửa Đức Tin) trong đó ngài nêu lên tầm quan trọng của việc đọc các văn kiện và thực thi các Giáo huấn của Công đồng Vatican II:

    Tôi cho rằng việc khởi sự Năm Ðức Tin trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II có thể là một cơ hội thích hợp để hiểu rằng các văn kiện Công đồng, được các Nghị Phụ để lại như gia sản, "không bị mất giá trị, cũng như vẻ tươi sáng". Cần đọc các văn kiện ấy một cách thích hợp, cần biết rõ và hấp thụ các văn kiện ấy như những văn bản giá trị và có tính chất qui phạm của Huấn Quyền Hội Thánh, giữa lòng Truyền Thống của Giáo Hội. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy nghĩa vụ phải nêu cao Công đồng như "hồng ân lớn lao mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ XX": trong đó chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trong con đường của thế kỷ đang mở ra". Tôi cũng muốn mạnh mẽ lập lại điều tôi đã quả quyết về Công đồng vài tháng sau khi tôi được bầu kế vị Thánh Phêrô, rằng: "Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng, với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng có thể và trở thành sức mạnh lớn để thực hiện sự canh tân Giáo Hội ngày càng cần thiết" được một địa bàn chắc chắn để định hướng trong con đường của thế kỷ đang mở ra" (số 5).

    Chúng ta tổ chức buổi tọa đàm này là để kỷ niệm 50 năm (1962-2012) khai mạc Công đồng Vatican II, Công đồng được mệnh danh là Công đồng của giáo dân. Bài thuyết trình của linh mục Nguyễn Trọng Viễn O.P.chúng ta vừa nghe giúp chúng ta ôn lại “Ơn gọi và Sứ vụ của giáo dân theo Công đồng Vatican II.” Nhưng để sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình, hiển nhiên là người giáo dân phải hội đủ một số điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Điều kiện khách quan là những điều kiện từ bên ngoài như bối cảnh Giáo Hội và xã hội có thuận lợi hay không thuận lợi, thuận lợi nhiều hay ít cho việc người giáo dân sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình. Còn điều kiện chủ quan là những điều kiện của chính bản thân người giáo dân. Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến điều kiện chủ quan nhưng cũng không xem thường các điều kiện khách quan. Nói cách khác, người giáo dân có sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình được hay không là tùy vào việc người ấy có trưởng thành hay không.

    Người giáo dân đích thực hay trưởng thành là niềm mơ ước của Giáo Hội, là lý tưởng mà hàng giáo dân phải đạt tới, là công trình mục vụ mà hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ có trách nhiệm đầu tư xây dựng cho hiện tại và tương lai của cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân yêu này.

    II. TRÌNH BÀY

    2.1 Người giáo dân là người của hai “thành đô”: Giáo Hội và xã hội trần gian.

    Trước hết Công Đồng Vatican II xác định, cùng một lúc, người giáo dân thuộc về Giáo Hội và xã hội trần gian:

    “Các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Lại nữa, họ còn thuộc về Chúa Ki-tô, vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đời sống mới và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Ki-tô, để mọi sự qui phục Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người”






    (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).
    2.2 Nhiệm vụ chính của người giáo dân không phải là ở trong Giáo Hội mà là ở ngoài xã hội hay trong trần thế.

    “Nhiệm vụ chính của người giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Ki-tô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theohình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. Chính họ phải hiểu biết nền văn hóa đó, sửa chữa, bảo tồn, và cải tiến theo những hoàn cảnh mới, và sau cùng phải hoàn tất nó trong Chúa Ki-tô, để niềm tin vào Chúa Ki-tô và đời sống Giáo Hội không còn xa lạ với xã hội họ sống, nhưng bắt đầu thấm nhiễm và cải hóa xã hội đó. Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong cách sống của họ xuất hiện một mối dây mới về hiệp nhất và về liên kết đại đồng đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào Chúa Ki-tô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống nghề nghiệp; điều bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Ki-tô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo Phẩm trong việc hoàn tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Ki-tô giáo ngõ hầu Giáo Hội mới khai sinh thêm vững mạnh.”






    (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).
    2.3 Người giáo dân đích thực hay trưởng thành.

    Để có thể đảm đương và chu toàn nhiệm vụ chính của mình, người giáo dân phải trưởng thành như Công đồng Vatican II đã khẳng định một cách minh bạch và hùng hồn:

    Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành.”






    (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).
    2.4 Những phẩm chất hay đặc điểm của người giáo dân đích thực hay trưởng thành.

    Trong lời tuyên bố trên đây, chúng ta không thấy Công đồng xác định thế nào là người giáo dân đích thực hay trưởng thành; chúng ta cũng không thấy các Nghị Phụ đưa ra các tiêu chí của người giáo dân đích thực hay trưởng thành. Nhưng dựa vào đoạn văn ngắn ngủi ấy, chúng ta có thể rút ra được 4 phẩm chất hay đặc điểm của người giáo dân đích thực hay trưởng thành.

    * Phẩm chất hay đặc điểm thứ nhất của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy có khả năng và thực sự đã làm cho Giáo Hội được thiết lập thực sự trên một mảnh đất, trong một cộng đồng dân tộc.

    * Phẩm chất hay đặc điểm thứ hai của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy có khả năng và thực sự đã làm cho Giáo Hội sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội.

    * Phẩm chất hay đặc điểm thứ ba của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy có khả năng và thực sự đã làm cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người.

    Trình bày 3 phẩm chất hay đặc điểm đầu tiên của người giáo dân đích thực hay trưởng thành như trên e còn quá mơ hồ và trừu tượng. Để cụ thể và dễ hiểu hơn chúng ta có thể diễn tả như sau:

    Ở phạm vi cá nhân, người giáo dân đích thực hay trưởng thành là người giáo dân được những người sống xung quanh biết đến và yêu mến, nhờ lối sống hòa đồng, yêu thương, đoàn kết, bác ái, phục vụ và khiêm tốn thật thà trung thực. Nói cách khác những người giáo dân ấy đã trở thành các chứng nhân sống động của Niềm Tin Ki-tô giáo trong các môi trường là gia đình, khu xóm, nghể nghiệp và xã hội.

    Ở phạm vi rộng lớn hơn, - là Giáo Hội,- thì đó là những người giáo dân đã đóng góp vào việc làm cho Giáo Hội và Đạo Chúa Ki-tô được cộng đồng xã hội biết đến và yêu mến, bằng cách sống yêu thương, bác ái, phục vụ, bằng các hành động dấn thân bênh vực công lý và người nghèo và bằng các công trình văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu có giá trị. Đó còn là những người giáo dân đã đóng góp vào việc làm cho Giáo Hội (giáo xứ, giáo phận, toàn quốc) trở thành cộng đoàn chứng nhân, làm muối, làm men, làm ánh sáng, thành cộng đoàn loan báo Tin Mừng cho người nghèo và yêu thương chăm sóc những người bị thiệt thòi trong xã hội.

    * Phẩm chất hay đặc điểm thứ tư của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy (có khả năng và thực sự đã) cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm, trong tư thế là những người “đồng trách nhiệm” với Hàng Giáo Phẩm, chứ không chỉ là các “cộng sự viên” như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vừa mới nhắc lại trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội kỳ VI, quen gọi là “Diễn đàn quốc tế” của Phong trào Công Giáo Tiến Hành, nhóm tại thành phố Iasi bên Rumani từ ngày 22 đến 26/8/2012, với sự tham dự của các Đại biểu phong trào đến từ 35 nước thuộc 4 đại lục trên thế giới (1).

    Ở đặc điểm thứ tư này có hai điều đáng chúng ta lưu ý: một là văn bản nói rõ là hàng giáo phẩm nên chúng ta phải hiểu là các giám mục chứ không phải là các linh mục được gọi chung là hàng giáo sĩ; hai là “cùng làm việc với” hàng giáo phẩm chứ không phải là “làm việc dưới” quyền chỉ huy hay theo sự điều động/sai bảo của hàng giáo phẩm.

    2.5 Các phương thế giúp người giáo dân trở nên đích thực hay trưởng thành.

    Làm thế nào để giáo dân có khả năng làm cho Giáo Hội được thiết lập thực sự trên một mảnh đất, trong một cộng đồng dân tộc, làm cho Giáo Hội sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội, làm cho Giáo Hội sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội, cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm? Nói cách khác là làm thế nào để người giáo dân trở thành muối, men và ánh sáng trong các môi trường gia đình và xã hội (Mt 5,13-16; 13,33)? Làm thế nào để người giáo dân là môn đệ chân chính của Thầy Giê-su (xem Mt 7,21-27), là người thuộc gia đình của Đức Giê-su (Mt 12,40-50) và là thợ vườn nho của Thiên Chúa (Mt 20,1-2.4.5-7)?

    Thiết nghĩ có 6 việc quan trọng sau đây :

    Một là đào tạo bồi dưỡng cơ bản và chuyên sâu về Giáo Lý, Giáo Luật, Thánh Kinh, Thần Học, Linh Đạo, Lịch Sử Giáo Hội toàn cầu và địa phương, Công Đồng và Giáo Huấn Xã hội của Giáo Hội. Ở lãnh vực bao la rộng lớn này chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ở đây chúng ta có Trung tâm và Học viện Mục vụ là nơi sinh hoạt và đào tạo giáo dân. Nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu phần trăm giáo dân thành phố lưu tới nơi này, tham dự các Khóa học hỏi, các sinh hoạt ở đây? Cũng thử hỏi ngoài giáo phận Sài-gòn có được mấy giáo phận trong cả nước có chương trình và các lớp, các khóa đào tạo giáo dân như ở đây?

    Hai là giao trách nhiệm cho giáo dân hay đúng hơn là để và giúp giáo dân đảm đương công việc thuộc trách nhiệm của họ. Trách nhiệm của giáo dân phần chính là có liên quan tới trần thế, chứ không chỉ giới hạn trong nội bộ Giáo Hội mà thôi.

    Ba là thay đổi não trạng xem thường giáo dân hay não trạng “giáo sĩ trị” (cléricalisme) trong Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội còn quá nặng tính giáo sĩ. Não trạng này rất phổ biến nơi giáo dân (mặc cảm tự ti thái quá) cũng như nơi giáo sĩ (mặc cảm tự tôn thái quá).

    Bốn là thiết lập, thay đổi và cải tiến cơ chế như Hội đồng Tài chánh giáo xứ và giáo phận, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và giáo phận, các Ủy Ban thuộc Hội đồng Giám mục, nhất là các ủy ban có liên hệ trực tiếp tới giáo dân như Ủy ban giáo dân, Ủy ban gia đình, Ủy ban truyền thông v.v… Ở cơ quan cao nhất là Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ thấy sự hiện diện của người giáo dân, dù chỉ là với tư cách là quan sát viên hay người dự thính chứ chưa dám nói tới việc người giáo dân được phát biểu hay đóng góp ý kiến, bàn bạc, trong các kỳ họp hay hội nghị các Giám mục.

    Năm là xây dựng mối tương quan trưởng thành và hợp tác với hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ như Công đồng Vatican đã xác định ở số 37 của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (2), ở số 9 của “Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh mục” (3) và như Đức Thánh Cha Biển Đức đã nhắc nhở trong sứ điệp gửi Diễn Đàn quốc tế các tổ chức Công Giáo Tiến Hành vừa nhóm họp tại Iasi (Rumani) cuối tháng 8.2012 (1).

    Điều đáng mừng là Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Sài-gòn nói riêng đã ý thức được những vấn đề nêu trên. Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa của Giáo Hội Việt Nam năm 2000 ghi nhận trong số 27«Nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. [xem đề nghị 11,20,21]. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội» [xem đề nghị 11]. Và Công Nghị Tổng Giáo Phận Sài-gòn 2011 cũng đã đưa ra nhiều đề nghị quan trọng trong đó đáng chú ý nhất là các đề nghị 12,13 và 14:

    Đề nghị 12: Linh mục là người nối kết mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ với nhau (80%) và là người chịu trách nhiệm về sự hiệp thông của cộng đoàn (77%). Linh mục nên dành thời gian để gặp gỡ giáo dân và tạo điều kiện cho các đoàn thể gặp gỡ, học hỏi và làm việc với nhau (74%), quan tâm chăm sóc và nâng đỡ giáo lý viên, ca viên, thiếu nhi (66%).

    Đề nghị 13: Linh mục cần thay đổi não trạng và lối nhìn về giáo dân, đặc biệt là người trẻ và phụ nữ, coi họ như những cộng sự viên chứ không phải những người giúp việc (85%), tin tưởng và trao trách nhiệm cho giáo dân (79%), khuyến khích và tạo điều kiện cho họ tham gia vào đời sống của giáo xứ (72%). Để mọi người có thể đóng góp ý kiến và tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, linh mục cần phải có kế hoạch và chương trình mục vụ phù hợp với kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo phận (77%), đồng thời thông báo cho cộng đoàn được biết một cách sớm sủa và đầy đủ (68%).

    Đề nghị 14: Linh mục cần có kế hoạch làm việc chung với hội đồng mục vụ giáo xứ, thông tin đầy đủ, phân chia công việc và tôn trọng cộng sự viên (77%). Đối với các nữ tu phục vụ tại giáo xứ, linh mục cần có sự hiểu biết, đối thoại và hợp tác trong sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ơn gọi và sứ mạng của các hội dòng (65%).

    Điều mọi người mong đợi là những nhận thức nêu trên được đem ra thực hiện ở cả ba cấp: giáo xứ, giáo phận và toàn quốc. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng «nói một đàng làm một nẻo», thực tế khác hẳn, thậm chí đối nghịch với văn bản và những nhận định sáng suốt và quyết tâm tốt lành vẫn chỉ nằm trên giấy !

    Sáu là có một bối cảnh xã hội chính trị cởi mở, tự do, tôn trọng quyền con người và mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử, không kỳ thị tôn giáo. Nếu không có được một bối cảnh xã hội-chính trị như thế thì người giáo dân cũng khó mà thực thi cách hiệu quả ơn gọi và sứ vụ của mình trong trần thế, vì họ dễ dàng bị ghép vào tội chính trị là chống phá chế độ.



    III. KẾT LUẬN

    Để kết luận tôi xin chia sẻ một kỷ niệm có tính riêng tư, nhưng không phải là không có liên quan tới chủ đề. Trong những năm 1994-1997 của thế kỷ trước, với tư cách là đại diện và nhân viên của Food for the Hungry International là một tổ chức từ thiện Mỹ tại Việt Nam, tôi có nhiều dịp ra Hà Nội và gặp gỡ Đức Cố Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội. Trong một lần gặp gỡ, Đức Cố Hồng Y nhắc đi nhắc lại với tôi rằng người giáo dân lý tưởng ngày nay phải là người đứng một chân trong Giáo Hội và một chân ngoài xã hội. Ý của Đức Cố Hồng Y Phao-lô Giu-se muốn nói là người giáo dân vừa phải là tín hữu tích cực trong đời sống Giáo Hội, vừa phải là người công dân đóng góp xây dựng xã hội. Lúc đó tôi vừa dấn thân phục vụ Giáo Hội vừa dấn thân phục vụ xã hội. Lúc đó tôi phục vụ Giáo Hội bắng/qua các hoạt động giáo lý như làm việc trong ban Giáo Lý Tổng Giáo Phận Sài-gòn mà người đứng đầu là linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh; cộng tác với linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm (hiện là Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài-gòn) trong việc tổ chức các Lớp Giáo Lý Trung Cấp tại Nhà Thờ Chánh Tòa Sài-gòn; cộng tác với linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Hiền (hiện là Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn) trong việc huấn luyện các linh hoạt viên giới trẻ qua các Khóa Khám Phá và Chia sẻ Lời Chúa tại Nhà Thờ Tân Định. Tôi phục vụ xã hội qua các chương trình cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo & học giỏi, cho các phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn chăn nuôi, hỗ trợ y tế cho bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã, dậy nghề cho thanh niên nam nữ nghèo chưa có việc làm v.v… tại tỉnh Đồng Tháp và một vài nơi khác. Vì thế tôi nhận được sự ưu ái đặc biệt của Đức Cố Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và được ngài xem là người giáo dân điển hình.

    Thật ra câu chuyện của tôi chẳng có gì to tát để đáng được nói ra ở đây. Và trong số anh chị em giáo dân có mặt hay không có mặt trong Hội Trường Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn này, có nhiều người đã và đang làm nhiều hơn tôi, làm tốt hơn tôi. Đó là điều đáng mừng và là niềm hy vọng của Giáo Hội Việt Nam nói chung và của hàng giáo dân Việt Nam nói riêng.

    Ước gì Giáo Hội Việt Nam càng ngày càng có nhiều người giáo dân một chân đứng vững trong Giáo Hội, một chân đứng vững trong xã hội trần thế bằng những dấn thân tích cực và hữu hiệu của các môn đệ Chúa Ki-tô!





    Sài-gòn 16 tháng 09 năm 2012

    Kỷ Niệm Giỗ thứ 10 của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



    ------------------------------------------

    Ghi chú:

    (1)“Tinh thần đồng trách nhiệm đòi phải thay đổi não trạng, nhất là về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội: không được coi giáo dân chỉ là “những cộng tác viên” của hàng giáo sĩ, nhưng như những người thực sự “đồng trách nhiệm” đối với cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng là phải củng cố một hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân, có khả năng đóng góp phần đặc thù của mình cho sứ mạng của Giáo Hội, trong niềm tôn trọng các thừa tác vụ và nghĩa vụ của mỗi người trong đời sống Giáo Hội và luôn luôn hiệp thông với các Giám Mục”.

    Điều này có nghĩa là khi phục vụ Giáo Hội, giáo dân phải đón nhận mục đích tông đồ trong toàn bộ, trong một sự quân bình phong phú giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, và trong tinh thần hiệp thông sâu xa với Người Kế Vị Thánh Phê-rô và tinh thần đồng trách nhiệm thực sự với các vị chủ chăn của mình.”

    Vai trò của giáo dân có một tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay của lịch sử, cần phải được giải thích dưới ánh sáng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, để ngày càng trở thành ”một phòng thí nghiệm về sự hoàn cầu hóa tình liên đới và bác ái, để cùng với toàn thể Giáo Hội, tăng trưởng trong sự đồng trách nhiệm, mang lại một tương lai hy vọng cho nhân loại, có can đảm đưa ra những đề nghị đòi hỏi nhiều cố gắng”.

    Cuộc sống của anh chị em hãy có tính chất 'trong sáng', được Tin Mừng hướng dẫn và được soi sáng nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, được yêu mến và noi theo không chút sợ hãi. Hãy đảm nhận và chia sẻ những chọn lựa mục vụ của các giáo dân và giáo xứ, tạo những cơ hội gặp gỡ và cộng tác chân thành với các thành phần khác trong Giáo Hội, kiến tạo những quan hệ quí mến và hiệp thông với các linh mục, để họp thành một cộng đồng sinh động, phục vụ và truyền giáo”.

    [Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Diễn Đàn Quốc Tế của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành, nhóm tại thành phố Iasi (Rumani) từ ngày 22 đến 26/8/ 2012/G. Trần Đức Anh OP chuyển dịch/ Vatican - 24/08/2012].

    (2)“Như mọi Ki-tô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Ki-tô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội. Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Ki-tô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.

    Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Ki-tô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Ki-tô, đã quyết định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Ki-tô, Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dt 13,17).

    Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Ki-tô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

    Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian”

    [Hiến chế tín lý về Giáo Hội tức Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 37]- Từ bản văn trên chúng ta có thể rút ra những điều sau đây:

    - Với hàng Giáo Phẩm, giáo dân có:

    * Quyền được lãnh nhận một cách dồi dào những ơn trợ lực từ kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là từ Lời Chúa và Bí Tích;

    * Quyền bày tỏ những nhu cầu và ước vọng của mình, trong tinh thần tự do, tin tưởng phù hợp với tư cách của những con cái Thiên Chúa và anh em Đức Ki-tô;

    * Khả năng và nghĩa vụ (đôi khi) nói lên cảm nghĩ của mình về những việc liên quan tới lợi ích của Giáo Hội trong tinh thần chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và bác ái;

    * Bổn phận tuân theo những chỉ thị mà hàng Giáo Phẩm quyết định với tư cách thày dạy và lãnh đạo Giáo Hội.

    - Với giáo dân, Hàng Giáo Phẩm:

    * Phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội;

    * Nên chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của giáo dân, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội;

    * Nên khuyến khích giáo dân lãnh lấy phần trách nhiệm của họ và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

    (3) “Các linh mục phải lãnh đạo cộng đồng làm sao để không tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng tìm lợi ích cho Đức Giê-su Ki-tô (Pl 2,21) bằng cách kết hợp cố gắng của mình với cố gắng của giáo dân và xử sự với họ theo gương Thầy là Đấng đến ở giữa mọi người, không phải để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm gía chuộc thay cho nhiều người “ (Mt 20,28).

    Cụ thể, Sắc lệnh vạch ra 6 chỉ dẫn sau đây cho các linh mục:

    (1º) “Các linh mục phải chân thành nhìn nhận và thăng tiến phẩm gía của Giáo Dân và vai trò riêng của họ trong sứ mệnh Hội Thánh;

    (2º) “Các linh mục phải chân thành kính trọng sự tự do chính đáng mà mọi người có quyền được hưởng trong lãnh vực trần thế;

    (3º) “Các linh mục phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động nhân bản, để cùng với họ có thể nhận biết các dấu chỉ của thời đại;

    (4º) “Trong khi nghiệm xét các Thần Khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá và nhận ra các đoàn sủng muôn hình vạn trạng của giáo dân, từ những đoàn sủng nhỏ bé nhất đến những đoàn sủng cao vượt nhất. Các ngài sẽ vui mừng nhìn nhận và nhiệt thành phát huy các đoàn sủng ấy;

    (5º) [i]“Trong những hồng ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu như thế, phải đặc biệt lưu tâm đến những ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng;

    (6º) “Cũng thế, các linh mục phải biết tin tưởng giáo dân để giao phó cho họ những trách nhiệm trong việc phục vụ Hội Thánh, để cho họ được tự do và có điều kiện hoạt động, hơn nữa còn khuyến khích họ mỗi khi gặp cơ hội thuận tiện phải biết tự mình có sáng kiến mà hành động”







    [Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống linh mục, số 9].



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
 

Tọa Đàm: ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: Trang Giáo lý viên-
free counters