Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II Sudieptutroi

 

 NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
PeterLuong
Admin

Admin
PeterLuong

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 668
Điểm NHIỆT TÌNH : 1851
Ngày tham gia : 17/08/2009
Đến từ : Peterluong80@yahoo.com
Job/hobbies : I Love You Jesus

NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II Vide
Bài gửiTiêu đề: NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II   NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II EmptyMon Oct 29, 2012 11:13 am




    NĂM ĐỨC TIN 2012 VÀ CÁC VĂN KIỆN
    CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

    Từ những bản dịch Việt Ngữ:
    đôi điều trăn trở
    Nguyễn Tuấn Hoan
    Thời gian này, toàn thể dân Chúa khắp nơi đang hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sống Năm Đức Tin. Buổi lễ khai mạc Năm Đức Tin đã diễn ra hết sức long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 11-10-2012 vừa qua. Năm Đức Tin này là thời gian dân Chúa phải tận dụng để đào sâu đức tin của mình hầu trở về gặp gỡ Chúa Giêsu. Thật ý nghĩa biết bao khi Đức Thánh Cha muốn khai mạc Năm Đức Tin vào chính ngày kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II và 20 năm công bố Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bởi ĐTC Gioan-Phaolô II. Một trong những việc vô cùng quan trọng được Đức Thánh Cha nhắc đến trong tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin” (Porta Fidei) là các tín hữu phải “đọc các văn kiện Công Đồng Vaticanô II một cách thích hợp, cần hiểu rõ và hấp thụ các văn kiện ấy như những bản văn giá trị và có tính chất quy phạm của Huấn quyền của Hội Thánh giữa lòng Truyền Thống của Hội Thánh”, ngài nhấn mạnh rằng đây là “một gia sản không bao giờ mất giá trị và luôn giữ được vẻ tuơi sáng để trở nên như một ‘la bàn’ định hướng cho các tín hữu trên con đường của thế kỷ đang mở ra” (x. số 5).

    Bộ Giáo Lý Đức Tin, do Hồng Y William Levada, Bộ trưởng, thừa lệnh Đức Thánh Cha với sự đồng thuận của các Bộ thẩm quyền thuộc Toà Thánh, ngày 6-1-2012 đã soạn thảo một bản “Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin” trong đó có đưa ra những chỉ dẫn cho từng cấp trong Hội Thánh. Từ cấp Giáo Hội toàn cầu, cấp Hội Đồng Giám Mục, cấp giáo phận và sau cùng là cấp giáo xứ cũng như các cộng đoàn, các hiệp hội và các phong trào.

    Ở cấp Hội Đồng Giám Mục, bản hướng dẫn khuyến khích việc tái bản các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II và Sách GLHTCG, lại còn nói rõ là nên thực hiện dưới hình thức các ấn phẩm bỏ túi rẻ tiền (x. số II-2) Điều đó có nghĩa là Giáo Hội muốn cho mọi tín hữu dù có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, vẫn có được những ấn phẩm giá trị về đức tin để học hỏi. Bài viết này muốn đưa ra một số nhận xét về những bản dịch Việt Ngữ các văn kiện Công Đồng, và chỉ nói đến những bản dịch toàn bộ văn kiện đồng thời cũng nêu ra một vài trăn trở liên quan đến việc giáo dục đức tin cho dân Chúa của các mục tử.



    I. BẢN DỊCH CỦA SENATUS SÀIGÒN

    Linh mục Trần Văn Thông, linh giám Senatus Sàigòn đã sớm dịch các văn kiện Công Đồng ra tiếng Việt và xuất bản năm 1969, đây là công trình cá nhân nên không tránh khỏi nhiều thiếu sót và những chỗ rất tối nghĩa khó hiểu. Dù sao cũng phải trân trọng tinh thần của tác giả muốn giúp giáo dân Việt Nam sống đạo theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II và trong thời điểm đó là cần thiết.



    II. BẢN DỊCH CỦA GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIO X.

    Năm 1972, sau ngày khai mạc Công Đồng 10 năm, Phân Khoa Thần Học thuộc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt đã nỗ lực dịch thuật toàn bộ các văn kiện Công Đồng. Đây là một công trình rất giá trị đóng góp vào nỗ lực canh tân của Giáo Hội Việt Nam để thích nghi với đời sống và tư tưởng thần học của Giáo Hội. Bản dịch các văn kiện Công Đồng này sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn lãnh hội thấu đáo và chân thực tinh thần mà Chúa Thánh Thần muốn Thánh Công Đồng đem vào Giáo Hội Ngài. Đó là tâm tình mà Đức giám mục Simon-Hoà Nguyễn Văn Hiền đã ngỏ với mọi người thành tâm thiện chí, khao khát sống đạo theo tinh thẩn Vaticanô II trong lời giới thiệu cho bản dịch 1972. Bản dịch này cũng được in dưới 2 hình thức: Toàn bộ với bìa cứng, và in lẻ chia đều thành 5 tập bìa mỏng với hình ảnh màu rất đẹp.

    Năm 1980, bản dịch này được tái bản tại Hải ngoại với những sửa chữa và bổ túc khá nhiều, đặc biệt là bản Mục Lục phân tích Chủ Đề theo mẫu tự A,B,C. Ít lâu sau, bản sửa chữa này được phổ biến rộng rãi suốt 30 năm nay tại VN dưới hình thức photocopy.

    Về những bản dịch Việt Ngữ trên đây, tôi đã có đề cập đến trong bài viết “Công Đồng Vaticanô II và Dân Chúa Việt Nam ”.



    III. BẢN DỊCH CỦA UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN.

    Từ khoảng hơn một năm nay, đã râm ran một tin là Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin đang dịch lại Công Đồng. Mọi người mong chờ và hy vọng một bản dịch tốt. Bởi vì theo thời gian, với sự tiến triển của ngôn ngữ, bản dịch của Giáo Hoàng Piô X chắc chắn còn nhiều bất cập, những ai thường xuyên đọc sẽ nhận ra những bất cập này. Lòng mong chờ đã thành hiện thực, đầu tháng 10 vừa qua, Uỷ Ban đã phát hành bản dịch mới về Các Văn Kiện Công Đồng Vaticanô II. Bản thân tôi cũng háo hức và mừng rỡ khi được tặng một cuốn. Nhưng rồi sự mừng rỡ đó giảm sút nhanh chóng khi tôi lần giở những trang sách và so sánh với bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X. Tôi không thể không chia sẻ với các đấng bậc cũng như anh chị em giáo dân về một vài nhận xét này, chỉ mong các vị hữu trách nghiêm túc hơn trong nhiệm vụ nuôi dưỡng đàn chiên bằng những lương thực có chất lượng tốt cho đời sống đức tin, chứ đừng chỉ làm vì thành tích, cho kịp với thời gian.



    1) Về hình thức

    Bìa sách trình bày quá xấu, in ấn lệch lạc không cân đối, không làm nổi bật sự trang trọng của một tác phẩm chứa đựng nội dung có giá trị. Đồng thời việc in dòng chữ “HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ” “UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN” ở vị trí trên đầu cuốn sách là không đúng, gây cho người đọc có cảm tưởng các văn kiện trong sách là của HĐGM/UBGLĐT soạn ra, nếu không nói là “mạo nhận”. Ở vị trí đó chỉ có thể ghi “THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II”, vì tác giả là toàn thể các Nghị Phụ của Thánh Công Đồng. Còn nội dung có thể in chữ lớn: CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, sau đó, sau đó mới là chỗ của dịch giả được ghi ở dưới : Bản dịch của …Nhưng trong trường hợp này, ở trang 4 ghi bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN thì cũng không chính xác, vì trong lời giới thiệu cuối trang 5 có nói rõ công việc của Uỷ Ban là chỉ sửa chữa và hiệu đính bản dịch của GHHV Piô X mà thôi. Dù có giải thích cách nào thì độc giả vẫn nghĩ việc làm này không đúng đắn và thiếu minh bạch. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xuất bản năm 2009.



    2) Về nội dung

    Những nhận xét chỉ trong tầm hiểu biết giới hạn của một giáo dân, không đề cập đến vấn đề thần học và những chuyên môn khác. Đồng thời nhận xét dựa trên sự so sánh với bản dịch của GHHV.

    a- So sánh về lượng.

    Không biết UB có chủ ý gì khi không in lời giới thiệu tổng quát về Công Đồng cũng như lời giới thiệu của từng văn kiện, và ngay cả những chú thích rất dồi dào trong mỗi văn kiện. Phải chăng Uỷ Ban cho rằng độc giả không cần phải biết những kiến thức đó hay để tiết kiệm giấy, giảm giá thành? Ấy là chưa kể đến những sứ điệp mà Công Đồng gửi cho thế giới, mà đọc lên làm cho độc giả cảm động vì sự lưu tâm của Công Đồng không chỉ giới hạn trong Giáo Hội. Những thiếu sót này làm giảm giá trị cuốn sách.

    Phần Mục lục Phân Tích chỉ vỏn vẹn 268 trang, lại in thưa và xuống hàng, nên không thể dồi dào bằng Bản Mục Lục Phân Tích Chủ Đề trong bản dịch của GHHV có độ dày 454 trang, lại in chữ nhỏ nhưng vẫn rõ ràng và dễ tra cứu. Cứ so sánh mục từ “TIN” của hai bản văn sẽ thấy rõ.



    b- Về cách sắp xếp các văn kiện.

    Uỷ Ban đã xếp 4 hiến chế ở phần đầu, rồi đến 9 sắc lệnh, và sau cùng là 3 tuyên ngôn. “Chính sách tập trung” này có vẻ là sáng kiến của Uỷ Ban để dễ tìm, nhưng làm mất ý nghĩa về thời gian. Ở trang 55 bản dịch GHHV, cho biết từng văn kiện được soạn thảo ở thời điểm nào, khoá họp nào, năm nào. Và các văn kiện sắp đặt theo ngày tháng được công bố có một ý nghĩa rất hay.



    c- Về ký hiệu sách Thánh Kinh.

    Cũng là những tác phẩm của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, nhưng hệ thống ký hiệu các sách Thánh Kinh lại tuỳ tiện thay đổi:

    * Sách GLHTCG trang 8 dùng ký hiệu Ôv , còn trong Công Đồng lại viết Ađ (đó là sách ngôn sứ Ô-va-đi-a);

    Một vài sách khác cũng vậy:

    * GLHTCG: Nk, Nkm, Sb (Sử Biên niên), Ed (Ê-dê-ki-en), Er (Étra), Xp (Xôphônia), Tx (Thêxalônica), Tl (Thủ lãnh).

    * Công Đồng: Nh, Nhm, Bn (Biên niên sử), Ed (Esdra), Ez (Êzêchiel), Sp (Sôphônia), Ts (Thessalônica), Tp (Thẩm phán). Việc dùng ký hiệu cách tuỳ tiện như thế có thể gây “rối loạn ký hiệu” cho độc giả.

    Đúng ra, phải có lời ghi chú là các ký hiệu Thánh Kinh dùng theo bản dịch Thánh Kinh nào: Cha Thuấn, Cha Huân, CGKPV, Bible de Jérusalem hay Vulgata, nhưng giáo dân làm gì có bản này, và có cũng không biết dùng, chả lẽ có một bản dịch ẢO để tham chiếu ư?



    d- Về ký hiệu các văn kiện Công Đồng.

    Đây cũng là vấn đề:

    * Sách GLHTCG thì không có bản ký hiệu viết tắt, chỉ dùng nửa Việt, nửa Latinh: thí dụ Hiến chế tín lý Dei Verbum ; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes… Ai hiểu được thì hiểu!

    * Cùng một sắc lệnh, nhưng trong cuốn Từ Điển Công Giáo ký hiệu là DT, còn trong Công Đồng lại dùng ký hiệu TS.

    * Sắc lệnh Hiệp Nhất, Từ Điển CG ký hiệu là HN, còn trong Công Đồng lại ký hiệu là ĐK (Đại Kết)

    * Nếu các văn kiện Công Đồng đã dịch ra Việt ngữ, đồng thời tên văn kiện in ở trên đầu mỗi trang bên trái đều là Việt ngữ, thì trong bản Mục lục phân tích cũng nên ghi theo ký hiệu tiếng Việt mới phải lẽ, hà cớ chi lại ghi ký hiệu Latinh (LG, DV,AA…) gây trở ngại cho người dùng chưa quen với tên Latinh, nhất là những văn kiện ít gặp.



    e- Mục từ ghi trong bản Mục lục phân tích không đúng với từ trong văn kiện, như thể ông nói gà bà nói vịt miễn là hiểu nhau.

    * Xin đan cử vài ví dụ ở phần Mục lục tr.927 từ “ngôn sứ”, và “tiên tri” dùng lẫn lộn: Sách các tiên tri LG 6; DV 6,21/ xem trong văn kiện LG 6 thì chỉ có từ ngôn sứ; DV 6 không có, chỉ ở số 21 mới có từ Ngôn sứ (ở đây đặc biệt từ Ngôn lại in chữ N hoa?) Có nhều chỗ ghi “sách các ngôn sứ”, “sách các tiên tri” mà lẽ ra phải ghi “các sách ngôn sứ” hay “các sách tiên tri”, vì mỗi ông có sách riêng, chứ không phải có một quyển sách bao gồm nhiều ông.



    * Phần Mục lục, từ “Tạo vật”. Tìm trong LG 7 lại ghi là ‘thụ tạo’, còn trong AA 5 lại dùng từ “tạo vật; còn GS 38 không có từ này, có lẽ lẫn với số 39 trong câu nói “toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên”. Trong mục từ “Tạo Dựng” tr.962, cho từ “thụ tạo”, khi xem DV 3, thì trong bản văn lại dùng từ “thọ tạo”; Còn cuối trang cho từ “thụ tạo”, khi xem trong LG 36 thì lại từ “tạo vật”. Hiện nay các Từ Điển thường cho nghĩa Tạo Vật chỉ Đấng Tạo Hoá, nên đa số các tác giả dùng từ “thụ tạo” để chỉ mọi loài được Thiên Chúa dựng nên. Uỷ Ban chưa có sự thống nhất nên dùng rất tuỳ tiện, lộn xộn, thiếu khoa học! Những trưng dẫn minh hoạ cho từ này quá ít ỏi, sơ sài. Xem trong bản Mục lục PTCĐ của bản dịch GHHV sẽ thấy rất phong phú và dồi dào hơn nhiều (x.Thụ Tạo trang 1318).



    * Có những từ đồng nghĩa, nhưng không vì thế mà trong một câu lại dùng cả hai từ. Xin trích một câu: trang 540, sắc lệnh AA, số5 : “Sứ mệnh của Giáo Hội không chỉ là đemTin Mừng và ân sủng Chúa Kitô cho nhân loại, nhưng còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện…” Đồng ý là 2 từ Tin Mừng và Phúc Âm có thể dùng thay thế nhau, nhưng chỉ trong một câu ngắn mà dùng tuỳ tiện như vậy thì khi đọc lên thấy không êm tai chút nào!



    f- Một số từ không hợp lý

    * Trong Mục lục phân tích, tr. 971 từ “Thánh Sử” dùng để gọi các tác giả Sách Thánh với xuất xứ DV 11 và 12. Cứ xem từ ghi trong ngoặc đơn (HAGIOGRAPHUS) thì từ “thánh sử” này không ổn, “thánh sử” được nhiều tác giả hiểu là lịch sử thánh, hay lịch sử dân Thiên Chúa, còn từ “Hagiographus” do 2 từ hy lạp ‘hagios’ = thánh; và ‘graphô’ = viết, hiểu là ‘tác giả (Sách) Thánh’



    * Một từ nữa là “Phúc Âm hoá” (cuối trang 997), đây có vẻ lạm dụng từ ngữ làm rắc rối, cứ nói theo cách đơn giản là “rao giảng Phúc Âm” hay “loan báo Tin Mừng” thì dân Chúa hiểu dễ dàng. Tôi bị dị ứng khi nghĩ đến kiểu dùng ngoài đời “công nghiệp hoá”, “hiện đại hoá”…Hơn nữa, ở dòng áp chót của trang này có cho một quy chiếu về từ Phúc Âm hoá:Thánh Thể là đỉnh cao của việc Phúc Âm hoá (PO 5). Nhưng trong số này của văn kiện lại không có từ mang tính “trí tuệ” này (tr. 593, dòng 5: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể công cuộc loan báo Tin Mừng); chưa nói đến 2 câu ấy dùng 2 cụm từ khác nhau: ‘nguồn mạch và chóp đỉnh” trong văn kiện, còn trong phần Mục lục: “ đỉnh cao”, phải chăng là bị ảnh hưởng ngoại đạo! Quả vậy, trong tuyên ngôn GD cuối số 3, bản dịch GHHV là: …đồng thời cũng cổ võ mọi dân tộc phát triển sự hoàn thiện toàn vẹn của con người…Uỷ Ban sửa lại là:..cổ vũ cho sự hoàn thiện hoá con người toàn diện…! Lại có những từ không đáng sửa như thấm nhuần sửa là thấm đẫm; bất khả nhượng sửa là bất khả di nhượng v.v.



    * Trong Hiến chế Mặc Khải, số 25 có một câu nói đến việc CĐ khuyến khích mọi kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3,8), đó là của bản dịch GHHV, và Uỷ Ban đã sửa lại như sau: …nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8). Cả hai câu đó đều là trích ý chứ không trích nguyên văn, vì theo văn mạch thì Thánh Phaolô muốn làm nổi bật sự nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một mối lợi tuyệt vời mà ngài sẵn sàng đánh đổi mọi sự. Cách dịch của Uỷ Ban như thể muốn mọi kitô hữu và tu sĩ phải có sự hiểu biết về Chúa Giêsu đạt đến mức tuyệt vời thì quả là một đòi hỏi cao quá! Phải hơn là nhắc nhở mọi kitô hữu rằng việc nhận biết Chúa Giêsu là một ơn huệ, như một mối lợi tuyệt vời, vì thế lại càng phải chuyên cần học hỏi Thánh Kinh để sự hiểu biết về Chúa Giêsu càng ngày càng sâu xa.



    Tôi chỉ nêu ra một số nhận xét để thấy rằng “bản dịch” mới này có nhiều điều cần xem lại. Khi có một tác phẩm được tái bản, người ta thường bỏ sách cũ để dùng sách mới, trong trường hợp này thì nên giữ lại bản dịch của GHHV, những văn kiện chỉ là những bản văn khô khan, cần phải đọc những dẫn nhập, những chú thích mới hiều nội dung và hiểu được trong bối cảnh nào bản văn được hình thành, chứ những văn kiện này không phải từ trời rơi xuống. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I ( ngài ở ngôi vị GH có 33 ngày) khuyến cáo mối nguy hiểm của sự thay cũ đổi mới, dù đôi khi cần thiết, cái cũ đôi khi có một giá trị mà cái mới không có, ngài đưa ra câu chuyện A-la-đin bị tên phù thuỷ lợi dụng sự nhẹ dạ của bà vợ, lợi dụng lúc ông đi vắng, tên phù thuỷ đem những cây đèn mới nhìn rất bắt mắt, khiến cô vợ của A-la-đin mất cảnh giác nên vội vã đem cây đèn cũ kỹ kia, vốn là cây đèn thần có khả năng kỳ diệu, đổi lấy cây đèn mới. Để rồi sau cùng với vỡ lẽ ra cái đèn mới sáng chói kia chỉ là khối đồng vô dụng thì đã muộn. Thôi thì ta cứ bắt chước “ông chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52) cho chắc ăn.



    IV. NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG

    Qua các văn kiện của Toà Thánh, đặc biệt là tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin” và bản “Hướng dẫn Mục Vụ cho Năm Đức Tin”, thì năm nay Giáo Hội có rất nhiều việc phải làm giúp các tín hữu từ việc nhận định lại đức tin của mình, bao gồm việc học hỏi, đào sâu và củng cố đức tin của bản thân trong tương quan với Hội Thánh. Riêng Giáo Hội Việt Nam, trong suốt 50 năm qua, các mục tử hầu như chẳng quan tâm gì đến Công Đồng, có chăng chỉ có các chủng sinh bắt buộc phải mua sách để làm bài, sau đó là xếp chỗ, khi về coi xứ thì công việc chồng chất nên rất nhiều linh mục chẳng nắm được nội dung Công Đồng, vì thế dân Chúa vẫn còn nhiều nếp sống đạo thời tiền Công Đồng, mà ngay các linh mục cũng vì không thấm nhuần Công Đồng nên mới có những lối sống thiếu sót gây thiệt hại cho đức tin dân Chúa.

    Trong phần IV của bản “Hướng dẫn Mục Vụ”, Bộ Giáo Lý Đức Tin đề cập đến cấp giáo xứ,

    số 3 nói rõ: “Các linh mục cần chăm chú nghiên cứu các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, áp dụng vào mục vụ giáo xứ: dạy giáo lý, giảng thuyết…”

    số 4: “Các giáo lý viên cần khai thác hơn nữa giáo thuyết phong phú của sách GLHTCG, đồng thời dưới dự hướng dẫn của cha sở, giúp các nhóm tín hữu tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn kiện quý giá này…” .

    Thực tế được mấy cha sở làm công việc này và đàng khác có khả năng làm được hay không?

    Tôi xin dẫn chứng cụ thể là ngay tại giáo xứ An Lạc của tôi, vừa qua tình cờ xem cuốn tập “Giáo Lý Khai Tâm” phần học sinh, chỉ có 20 bài, mỗi bài gồm một trang hình ảnh một trang bài học, nội dung không dài lắm, nhưng hầu như bài nào cũng sai chính tả, và có những câu không đem lại bài học gì cho các em. Sách không ghi xuất xứ nên không biết ban giáo lý đã lượm được ở đâu và dùng từ lâu nay nhưng không hề sửa chữa, nếu giáo lý viên không đủ khả năng nhận ra những sai sót đó, thì chẳng lẽ “xơ” phụ trách hoặc cha sở cũng vậy sao, hay do thiếu quan tâm, đồng nghĩa với vô trách nhiệm.

    Xin nêu một số ví dụ: Xếp đặc, khôn(-) nghe lời, Kính mừng Martia đầy ơn phúc, TC giáng tràn, máng c và còn vô số chỗ sai, tên riêng lúc viết rời có gạch nối (Giu-se) lúc viết liền (Giuse), những câu thơ cho các em học thuộc lòng thì thiếu từ hoặc in sai: cứu đờ . Xin xem ở sau bài viết tôi có scan vài trang để minh hoạ. Lớp Khai Tâm rất quan trọng vì các em đang tập tành đánh vần, sách giáo lý in như vậy rõ ràng là phản giáo dục, lại càng không thể giáo dục đức tin được.

    Một cách tốt nhất để chúng ta có thể thẩm định các cha sở có năng đọc Công Đồng, Sách GLHTCG và nhất là Kinh Thánh hay không, đó là căn cứ vào bài giảng, rất nhiều bài chỉ nói loanh quanh, ngầm đề cao uy quyền của mình (mà có ma nào muốn tranh giành đâu), hoặc gợi ý quyên góp…đôi khi kể những chuyện bên tây bên tàu, thường thì dài lê thê, nhưng chẳng có ý tưởng mà cứ oang oang như chiếc thùng rỗng, nghe phát chán! Những linh mục đầu rỗng thường hay giảng dài và la lối trách mắng, bắt bẻ giáo dân. Đây là những điều đáng nói trong Năm Đức Tin này.

    Tôi không dám vơ đũa cả nắm, vì cũng có những cha sở đáng kính phục, sống rất chan hoà với mọi người phản ảnh trung thực tương quan chủ chiên với đàn chiên, chăm lo đời sống thiêng liêng cho dân qua những hoạt động giáo lý đúng đắn, nghiêm túc và những bài giảng thấm nhuần Kinh Thánh. Tiếc thay các mục tử tốt lành như vậy không nhiều.

    Năm Đức Tin đã khai mạc, tôi tưởng tượng một câu chuyện vui cảm hứng từ sách Sáng thế trong câu chuyện ông Ápraham can thiệp cho thành Xơđôm (St 18,16-33):

    “Khi biết Đức Thánh Cha khai mạc Năm Đức Tin, nhắc nhở các tín hữu đọc Công Đồng, Thiên Chúa bèn có ý định thăm dò các Giáo Hội trên hoàn cầu xem các linh mục có đọc Công Đồng không? Thấy các Giáo Hội Pháp, Đức và ngay cả In-đô-nê-si-a…đời sống đạo của các tín hữu thấm nhuần tinh thần Công Đồng, cũng có nhiều chuyên viên còn viết sách để giải thích về các văn kiện Công Đồng, Chúa thấy hài lòng. Nhưng khi đến Việt Nam, thấy dân chúng hầu hết chẳng biết Công Đồng là sự gì, có chủng sinh còn gọi sai là Cộng Đồng Vaticanô, Chúa quyết định phạt Giáo Hội Việt Nam một phen vì chẳng chịu để tâm đọc và học hỏi các văn kiện, và Chúa biết là do các cha sở không đọc nên cũng không thể giúp giáo dân đọc. Trước tiên Chúa cho triệu Đức Cha chủ tịch Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin đến và báo cho ngài biết quyết định của Chúa, vì Đức cha là người Chúa chọn để truyền cho dân Chúa và con cháu của chúng phải giữ đường lối của Chúa là thực hiện điều công minh chính trực, tức là sống đức tin cho đúng.

    Chúa phán: “Ta thấy dân Chúa Việt Nam chẳng hiểu gì về Công Đồng nên sống đạo chỉ dựa trên tình cảm, chạy theo những sự lạ được đồn thổi, các cha sở có lẽ chẳng hề đọc Công Đồng nên không biết cách hướng dẫn dân, lại còn chiều theo cách sống của chúng. Đời sống đức tin sa sút, chạy theo vật chất, mê hưởng thụ. Vì thế Ta muốn phạt chúng một phen.”

    Đức cha chủ tịch lại gần và thưa với Chúa: “Chẳng lẽ Chúa lại phạt cả người tốt lẫn người xấu sao? Biết đâu có một số cha sở đọc Công Đồng và đang cố gắng để giúp dân cải thiện đời sống đạo. Vậy nếu như có được năm mươi cha sở siêng năng đọc Công Đồng, chẳng lẽ Ngài không vì năm mươi vị ấy mà dung thứ cho dân Chúa VN sao?”

    Chúa đáp: “Được, nếu con tìm được năm mươi cha sở siêng năng đọc Công Đồng, thì vì họ Ta sẽ dung thứ cho tất cả”.

    Đức cha chủ tịch lại thưa: “Dù con chỉ là thân tro bụi, con lại không biết ăn nói, nhưng con có bổn phận dạy dỗ đức tin cho dân, nên con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như năm mươi cha sở siêng đọc Công Đồng mà thiếu mất năm, thì vì năm người đó, Chúa có phạt toàn dân Chúa không?”

    Chúa đáp: “Ta sẽ không phạt nếu cha tìm được bốn mươi lăm cha sở.”

    Đức cha lại thưa với Chúa lần nữa: “Biết đâu chỉ tìm được bốn mươi cha sở!”

    Chúa đáp: “Vì bốn mươi cha sở, Ta sẽ không phạt dân.”

    Đức cha lại nói: “Xin Chúa Thượng đừng nổi giận, cho con được nói tiếp: Biết đâu con chỉ tìm được ba mươi cha sở siêng đọc Công Đồng!”

    Chúa đáp: “Nếu tìm được ba mươi cha sở gương mẫu như vậy, Ta sẽ không phạt chúng nữa”.

    Đức cha nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa Thượng: Biết đâu chỉ tìm được hai mươi cha sở!”

    Chúa đáp: “Vì hai mươi cha sở đó Ta sẽ không phạt đâu!”

    Đức cha chủ tịch ngước mặt lên trời (một cử chỉ rất quen thuộc) thở dài và nói:

    “Xin Chúa Thượng đừng nổi giận, cho con được nói một lần này nữa thôi: Biết đâu con chỉ tìm được mười cha sở siêng năng đọc Công Đồng!”

    Chúa đáp: “Nếu tìm được mười cha sở như vậy Ta sẽ không phạt!”.

    Nhưng nhìn thấy dáng điệu lo lắng thất vọng của Đức cha chủ tịch, Chúa động lòng thương và nói:

    “Thôi vì lòng kiên nhẫn cầu xin của con, Ta không nỡ phạt, chắc cũng có vài cha sở chăm chỉ đọc Công Đồng, nhưng trong chốc lát làm sao mà tìm ra được, Ta biết nhiều cha sở không quen MỞ SÁCH, nhất là các sách khô khan như văn kiện Công Đồng, các cha ấy chỉ quen XEM SỔ để kiểm tra thu nhập, càng không thích ĐỌC mà chỉ thích ĐẾM, đôi khi còn phải nhờ đến MÁY ĐẾM. Công Đồng tuy đã 50 năm, nhưng cũng chẳng phải là thời gian dài lắm đối với Ta, con biết câu Tv 89,4 chứ:

    ‘Ngàn năm Chúa kể là gì…Khác nào một trống canh thôi!’

    Vậy con cứ từ từ mà giáo dục đức tin cho dân Chúa, đừng hấp tấp mà kết quả chẳng bao nhiêu. Còn những văn kiện Công Đồng không chỉ dùng trong Năm Đức Tin rồi xếp chỗ, mà còn phải dùng mãi mãi, việc chưa thể dừng tại đây,cần phải làm tươm tất hơn! Việc làm vội vàng để đối phó theo kiểu phong trào chỉ gây thiệt thòi cho dân Chúa mà thôi!”



    Đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng nhưng nó phản ảnh những điều mắt thấy tai nghe, chỉ mong Năm Đức Tin là thời gian để các mục tử ra sức giúp dân Chúa học hỏi, đào sâu Giáo Lý và Công Đồng để sống đức tin trưởng thành hơn. Đừng chỉ khai mạc cho long trọng để quay phim chụp hình rồi bỏ đó. Nhưng điều quan trọng vẫn là nơi chính các ngài phải có sự chuyển mình, vì có “giác ngộ” rồi mới “giác tha” . Chính Thánh Phaolô cũng nói rõ như vậy về những người có trách nhiệm giáo huấn dân Chúa (x Rm 2,19-23).



    An Lạc, ngày 22-10-2012



    PeterLuong




Về Đầu Trang Go down
http://www.clcgk.forumvi.com
 

NĂM ĐỨC TIN VÀ CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: Trang Giáo lý viên-
free counters