Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Cầu nguyên theo lối "XIN CHO" Sudieptutroi

 

 Cầu nguyên theo lối "XIN CHO"

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Teresa
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
Teresa

Tổng số bài gửi : 283
Điểm NHIỆT TÌNH : 571
Ngày tham gia : 14/11/2009

Cầu nguyên theo lối "XIN CHO" Vide
Bài gửiTiêu đề: Cầu nguyên theo lối "XIN CHO"   Cầu nguyên theo lối "XIN CHO" EmptyTue Oct 22, 2013 11:06 pm







    Số 133. CN Thường Niên 29 - năm C.
    Ngày 20 . 10 . 2013

    Tin Mừng thánh lễ Chủ Nhật 29 C Thường niên kể lại dụ ngôn người bà goá cứ quấy rầy vị thẩm phán mãi, nên ông ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm cho ông ta nhức óc.
    Chính vì thế những bài chia sẻ hầu như xoay chung quanh vấn đề Cầu nguyện.
    Tamlinhvaodoi cũng chia sẻ chủ đề này, nhưng theo lối nhìn rất lạ, qua những kiểu nói bốp chát, gây bất ngờ…
    Mục đích để tìm cho ra cốt lõi của việc Cầu nguyện Kitô Giáo.

    CƠ CHẾ XIN – CHO
    TRONG KINH NGUYỆN

    Lung Linh

    Nhìn vào thực tế
    Chúng tôi lạy ƠN
    Trong kinh sách và những lời cầu nguyện, dường như chúng ta thường thích từ ƠN, một người ngoại giáo có thể rất thắc mắc không hiểu ý chúng ta muốn nói gì khi chúng ta cúi đấu kính cẩn nguyện xin
    Chúng tôi lạy ƠN Đức Chúa Giêsu nhân thay cam thay…(Tại sao không lạy Đức Chúa Giêsu mà lại lạy ƠN Đức Chúa Giêsu?!)
    Chúng tôi lạy ƠN Đức Chúa Thánh Thần… (Tại sao không lạy Đức Chúa Thánh Thần mà lại quay ra lạy ƠN Đức Chúa Thánh Thần??!!)
    Ngay cả trong bản dịch Kinh Thánh năm 1997 cũng đã có câu:
    Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ƠN Thánh Thần (Tt 3:5) .
    Trong khi bản dịch trong New International Version đã viết:
    He saved us through the washing of rebirth and renewal by the Holy Spirit,
    Tạm dịch là Người đã cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và canh tân nhờ Thánh Thần.
    Vâng, xin nhắc lại: nhờ Thánh Thần chứ không phải ƠN Thánh Thần!! Cứ như thể ƠN Thánh Thần còn quan trọng hơn cả chính Thánh Thần!!!
    May sao, Sách Kinh Thánh Tân Ước - Bản dịch có hiệu đính năm 2008, trang 826, đã sửa lại: Người đã cứu độ chúng ta nhờ phép rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. (Tt 3:5)

    Cơ chế Xin – Cho… tuỳ hứng
    Chúng ta thường coi Chúa như một ông thần giữ khư khư kho ân huệ vĩ đại của mình và ban cho nhân loại một cách rất tuỳ hứng. Thích cho ai thì người ấy hưởng. Xin mãi mà Ngài vẫn không cho. Đôi khi , chẳng xin gì thì Ngài tự nhiên lại cho. Vì thế, mới xảy ra những chuyện rất nghiêm chỉnh, nhưng nghĩ lại thì thấy nó buồn cười làm sao ấy.
    Trong lời cầu nguyện hàng ngày, chúng ta đã lải nhải xin hết ơn này đến ơn khác. Xin nhiều quá đến nỗi e rằng Thiên Chúa cũng phải bị căng thẳng thần kinh trước hàng tỷ người đang tranh nhau cầu xin mà ai cũng muốn mình được ưu tiên!!
    Có người còn chắc ăn và tỏ ra rất mực tha thiết:
    "Xin Chúa lắng nghe, dủ lòng thương mà nhận lời chúng con".
    Vì e rằng "Xin Chúa nhận lời chúng con" chưa đủ ép phê
    Cơ chế Xin – Cho… gây lúng túng, hoang mang
    Đôi khi Thiên Chúa cực kỳ lúng túng khi phải nghe hai lời cầu xin trái ngược nhau. Người lái xe cầu xin cho đi bình an trên xa lộ, trong khi người sửa xe lại xin Chúa vớ được nhiều xe hư dọc đường!!
    Chuyện cầu nguyện cũng nhiêu khê như chuyện dài nhiều tập khi người ta thường than rằng. Cầu xin hết tháng này tới tháng khác mà Chúa chẳng ban ơn gì cả ... điên cả lên, không thèm đi lễ, đọc kinh gì nữa!!
    Buồn quá bèn than thở với linh mục nào đó.
    Có linh mục yên ủi: Hãy kiên nhẫn, một ngày nào đó Chúa sẽ nhận lời.
    Có linh mục cảnh cáo: Tại ông xin không đúng ý Chúa, nên Chúa không cho là phải.
    Đôi khi có linh mục còn triết lý: Biết đâu Chúa còn thử thách nhân đức kiên nhẫn của ông!!
    Ôi! Toàn những lời giải đáp gây hoang mang cho nhân loại khốn khổ.
    Cơ chế Xin – Cho…. tạo luẩn quẩn.
    Trong những giờ Cầu cho linh hồn mới qua đời hay giờ đọc kinh giỗ, chúng ta chắc đã nghe rất nhiều lời cầu xin đại loại như sau:
    Lạy Chúa, chúng con tin rằng giờ này linh hồn .... đã về với Chúa trong vòng tay âu yếm của Chúa....
    Thế mà chỉ vài phút sau đó thế nào chúng ta lại nghe đoạn kết luẩn quẩn:
    Nhưng chắc chắn linh hồn… còn vương vấn bao tội khiên, nên giờ đây chúng con nài xin Chúa dủ lòng thương tha thứ lỗi lầm mà cho linh hồn ...mau về hưởng tôn nhan Chúa!!
    Đã về với Chúa rồi, sao lại còn chuyện mau về hưởng tôn nhan Chúa??

    Nguyên nhân tạo nên cơ chế xin cho.

    Để dễ dang tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta nhân cách hoá Ngài thành một người Cha, một ông Chúa, một Đấng quyền năng... và thay vì sống với Ngài trong tâm tình con yêu dấu của Ngài, chúng ta tôn vinh Ngài lên tận chín tầng mây như một ông vua với quyền sinh sát trong tay - thi ân giáng phúc tuỳ hứng. Còn chúng ta chỉ là một lũ thảo dân lúc nhúc dưới gầm trời này với đầy mặc cảm tự ty: phàm hèn, tội lỗi, xấu xa... Và với cái nhìn trần gian là nơi khổ ải, là chốn lưu đầy với biết bao khó khăn, đau khổ, chúng ta chỉ còn ngước trông lên Chúa xin Ngài dủ lòng thương. Như vậy, chính chúng ta - những con người tự đào cho mình một cái hố ngăn cách giữa mình và Chúa nên mới tạo ra một cơ chế Xin – Cho đáng tiếc này.
    Ngoài ra, còn một nguyên nhân cốt yếu khác. Đó là ta lấy cái tôi làm trung tâm. Ta đã ngầm thay đổi Kinh Lạy Cha theo ý của mình.
    Lạy Cha chúng con ở trên trời
    Chúng con nguyện DANH CON cả sáng.
    Mang tiếng là làm cho công trình của Chúa nhưng chỉ vài năm sau, con chỉ còn thấy DANH CON cả sáng từ bắc chí nam...Đâu cần, con có ngay ...nhưng động lực thúc đẩy con ra đi Loan báo Tin Mừng chính là DANH CON ngày càng cả sáng!!! Đi tới đâu ai cũng khen ngợi con giỏi, con hay... nghe mà khoái cái lỗ nhĩ, sướng rơn cả người....Ngay cả những người viết bài trên Net – trong đó có tôi – nếu không tỉnh thức, cũng dễ rơi vào DANH CON cả sáng khi cảm thấy có quá nhiều người biết đến tên mình.....
    Nước CON trị đến. - Danh tiếng của con, danh tiếng gia đình con, cộng đoàn con lan tràn khắp nơi.
    Ý CON thể hiện dưới đất cũng như trên trời!!!
    Ý CON chứ không phải Ý Cha đâu nhé. Ai không vâng phụcc theo ý con. Alê hấp, con sẽ loại trừ bằng 1001 cách theo kiểu thế gian!!!

    Làm cách nào để phá vỡ cơ chế Xin – Cho?

    Rất dễ dàng. Thay vì mang tâm tưởng của người tôi tớ, nô lệ, phàm hèn, tội lỗi, chúng ta hãnh diện xác tín mình là con yêu dấu của Cha do chính Ngài sinh ra.
    Dù chúng ta đã nghe nói nhiều lần, nhưng mỗi lần nhắc lại là mỗi lần giúp chúng ta đón nhận Lời Chúa để phá vỡ cơ chế Xin – Cho dễ dàng hơn.
    Tôi là con Thiên Chúa do chính Ngài sinh ra:
    Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
    cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
    hoặc do ước muốn của người đàn ông,
    nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1:13)
    Ngài còn trang bị cho tôi sức mạnh thần thánh:
    Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ (2Tm 1:7)
    Tuyệt với nhất, Ngài đã cho chúng ta thông phần chính bản tánh Ngài:
    Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa,(2Pr 1:4)
    Còn ơn nào cao quý bằng??
    Chỉ cần quay trở về con người đích thực của mình – con yêu dấu của Cha. Sống kết hiệp mật thiết với Cha ngày càng nhiều hơn. Phó thác mọi sự trong bàn tay yêu thương quan phòng của Cha, còn mọi sự khác, Chúa ban thêm cho. CÁI TÔI, Ý CON dần dần nhỏ bé lại để DANH CHA, Ý CHA ngày càng lớn lên trong chúng ta.
    Nếu chúng ta thực sự sống trong tâm tưởng tích cực này, chắc chắc cơ chế Xin –Cho sẽ dần dần sụp đổ...

    LƯU Ý QUAN TRỌNG
    Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận tất cả những lời cầu nguyện
    Hòan toàn không phải thế. Vì Đức Giêsu đã nhắc nhở:
    Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn (Lc 21:36).
    Cầu nguyện để mối tương giao giữa ta và Chúa ngày càng gắn bó hơn
    Cầu nguyện để càng có nhiều thợ gặt ra đi Loan báo Tin Mừng cho muôn dân
    Cầu nguyện để gia đình mình, cộng đòan mình, giáo xứ mình sống đạo tích cực hơn.
    Cầu nguyện để Giáo Hội không ngừng trở về nếp sống thánh thiện thủa ban đầu.
    Cầu nguyện để ........
    Nhưng điều quan trọng nhất của cầu nguyện vẫn là để
    mối tương giao Cha –con mật thiết hơn
    và DANH CHA cả sáng, Ý CHA thể hiện dưới đất cũng như trên trời...








    CẦU NGUYỆN SỐNG ĐỘNG

    Khổng Nhuận

    Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt vời để tiến vào vùng trời Tâm linh
    Tuy nhiên, người ta có 2 quan niệm về Cầu nguyện
    I. Cầu nguyện theo lối nhìn cũ: Thiên Chúa ở ngoài ta
    Thường thường, chúng ta tin rằng Chúa ở trên cao, vì vậy chúng ta thường nhắc nhở nhau rằng: Hãy siêng năng cầu nguyện bằng cách tạm dành một vài giây phút xuất thế để nâng tâm hồn lên tới Chúa.
    Lối cầu nguyện này có những trình độ khác nhau từ thấp lên cao
    1. Cầu nguyện ngoài môi miệng:
    Chúng ta chỉ biết đọc kinh rang rang hoặc nhắc lại những lời nguyện của các cha, các thầy hoặc đọc hết kinh ngày tới kinh kia một cách máy móc, miệng đọc nhưng tâm trí tha hồ lang thang khắp nơi. Đúng như lời Chúa Giêsu than thở:
    " Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. " (Mt 15:8)
    2. Chúa biến thành ông thần đèn
    Bình thường chẳng khi nào ta nhớ tới Chúa, chỉ khi nào gặp rắc rối, khó khăn, bước đường cùng – không còn cách nào giải quyết, lúc đó ta mới chạy đến Chúa để tỉ tê tâm sự thật thiểu não đủ cho Chúa nghe, sao cho Chúa mủi lòng và ta thường dụ Chúa bằng những lời nghe có vẻ rất quyết tâm hoặc bằng những điều kiện như :
    Nếu Chúa nhận lời thì con sẽ ăn chay 2 ngày, hay lần hạt 5 chục kinh.
    Có vài lần ta thực hiện lời hứa, nhưng có nhiều lần ta vui quá, quên béng đi luôn. Quả thật là vô ơn, ăn cháo đá bát!
    Cầu nguyện kiểu này có khác gì biến Chúa thành ông thần đèn phải làm thỏa mãn ý muốn của ta. Nếu không được như ý. Ta đâm ra âm thầm phhiền trách Chúa!!

    3. Cầu nguyện âm thầm một mình với Chúa
    Có một thời, rất có thể, ta thường tới nhà thờ viếng Chúa vào giờ vắng vẻ. Một mình ta đối diện trước mặt Chúa và thả tâm hồn theo dòng tâm tình yêu mến trong không khí yên tĩnh của buổi xế chiều, lòng nhẹ tênh như cánh mây bay bồng bềnh trong bầu trời bình yên. Lâu lâu, vào khoảng 8 giờ tối, ta còn lên tận nhà tạm, trong không khí tĩnh mịch khi màn đêm khẽ buông với đèn chầu leo lét, ta yên lặng nhìn Chúa và cảm thấy lòng ấm hẳn lên. Đây là những giây phút rất riêng tư giữa Chúa và ta và nó mãi mãi là những kỷ niệm ngọc ngà lấp lánh trong tâm hồn mình.
    Thêm vào những lời thì thầm tâm sự, ta viết nhật ký. Ta kể cho Chúa nghe những việc xảy ra trong ngày kèm theo cảm tưởng vui buồn. Thời gian viết nhật ký giúp ta gắn bó với Chúa hơn vì ta thường viết trong nhà thờ lúc vắng người, nên ta cũng nếm được những giây phút ấm áp bên trái tim Chúa yêu nhân hiền.

    4. Cầu nguyện chia sẻ
    Rồi vào ngày đẹp trời, chúng ta gia nhập một cộng đoàn nào đó. Và làm quen với cách cầu nguyện chia sẻ. Để mở đầu một buổi họp hàng tuần, chúng ta thường hân hoan hoà ca hai bài chúc tụng ngợi khen tình yêu Chúa trong bầu khí vui tươi phấn khởi, bài thứ ba mang âm hưởng trầm lắng trong tâm tình yêu mến tôn thờ. Sau khi đọc Lời Chúa, chúng ta có dịp cầu nguyện lớn tiếng. Thường mở đầu bằng :
    Chúng con xin ngợi khen và cảm tạ Cha vì …
    rồi sau đó: Xin Chúa ban cho … Xin Chúa nhận lời chúng con.
    Một người dâng lời cầu nguyện, những người khác hiệp ý trong tâm tình cảm mến sâu xa. Đây là những lời cầu nguyện tự phát trong các nhóm cộng đồng cơ bản. Những lời cầu nguyện này thường xuất phát từ những nhu cầu cả tâm linh lẫn thực tế, liên quan tới việc sống đạo và sinh hoạt thường ngày. Chúng ta đã dùng lối cầu nguyện này với tình con thảo của Cha trên trời và đầy ắp tình anh em hiệp nhất, nên chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn và ngày càng tin tưởng tình yêu vô biên của Chúa luôn bảo vệ, chở che, giúp cho chúng ta tìm được niềm vui và bình an trong cuộc sống.
    Qua những lời cầu nguyện chân thành này, mỗi người trong chúng ta còn cảm thấy mình tiến bước trên đường sống đạo mạnh mẽ hơn. Tình Chúa và ta gắn bó hơn. Từ đó, vợ chồng hiểu nhau hơn, anh em quan tâm tới nhau hơn, tình huynh đệ cũng nhờ vậy mà thân thiết hơn, ngọt ngào hơn. Mọi người xích lại gần nhau hơn, xoá bỏ những ngăn cách giàu nghèo ..anh giám đốc, anh bác sĩ, anh giáo sư, anh làm đậu hũ .. thế mà đã đối xử với nhau như bạn hữu thân tình trong cùng trong một nhóm. Thực là kỳ diệu!!

    5. “Lectio divina” nghĩa là “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện”.
    Đây là một danh xưng dùng cho việc vừa đọc vừa suy gẫm Thánh kinh. Phương pháp cầu nguyện bao gồm bốn gian đoạn hay bốn yếu tố chính.
    Đức Guigo II mô tả phương pháp cầu nguyện này như là bốn nấc thang dẫn đưa chúng ta lên với Thiên Chúa.
    Lectio, Đọc
    Đọc, theo truyền thống đan tu đòi hỏi đặt lời Chúa trên môi. Đó là một cách tập trung. Người ta thường đọc thong thả một đoạn Thánh kinh, và khi một tư tưởng, một hàng, hoặc một chữ nổi bật và thu hút sự chú ý của người đọc, họ thường dừng lại đó và lưu lại trên bản văn ấy, cẩn thận lập đi lập lại nó mãi. Hễ bị chia trí, họ cứ trở về với việc lập đi lập lại ấy. Họ ở lại với cùng bản văn ấy cho đến khi nó cạn hẳn, và rồi họ đọc tiếp cho đến khi tìm được một bản văn hấp dẫn khác. Theo cách cổ điển, đan sĩ thường đọc đi đọc lại lớn tiếng, loan báo Lời Chúa cho giác quan của mình, cầu nguyện với tất cả thân xác.
    Yếu tố thứ nhất này rất đơn giản, không gì khác hơn là tập trung bằng lời nói trên một tư tưởng Thánh kinh, như đặt thức ăn vào miệng vậy. Bằng cách này, các đan sỹ giao cho ký ức Lời Chúa từng mảnh một.
    Meditatio, Suy Gẫm
    Một khi Lời Chúa ở trên môi và trong miệng rồi, ta bắt đầu cắn và nhai nó; ta bắt đầu suy gẫm trên đó. Suy gẫm nghĩa là suy đi nghĩ lại, nhai Lời Chúa, ung dung lưu lại trên một mẫu để rút tỉa ý nghĩa của bản văn. Mỗi lời Thánh kinh được xem như có dụng ý cho mình. Mỗi bản văn đều nói về Đức Kitô và về cầu nguyện. Đan sĩ nhân cách hoá bản văn, đi vào trong ý nghĩa và đồng hoá với nó.
    Đây là yếu tố thứ nhì của “lectio divina”. Suy gẫm sử dụng một cách trực giác tất cả các quan năng. Ta không vất vả làm việc trong nguyện ngắm này, nhưng chỉ luôn lắng nghe những lời được lập lại, để cho những lời ấy gợi lên những hình ảnh, suy tư, tư tưởng trực giác của chúng. Toàn bộ tiến trình đều chủ yếu trực giác, giống như đọc đi đọc lại mãi một bức thư tình vậy. Mỗi lần được nhấm nháp và mỗi tư tưởng được xem như của mình vậy. (Thậm chí những người yêu còn học thuộc lòng những đoạn mình ưa thích nữa). Người suy gẫm cân nhắc và nhận ra những bài học ẩn giấu trong Lời Chúa đến nỗi học được sự khôn ngoan suốt đời. Suy gẫm tìm kiếm đạt được tâm tư của Đức Kitô. Ta từ từ bắt đầu thấy những điều Thánh kinh nói. Người suy gẫm bắt đầu công việc cả đời là nghe Lời Chúa để giữ lấy lời ấy. Suy gẫm chủ yếu là nghe Lời Chúa được “lectio” lập đi lập lại.
    Orattio, Cầu nguyện
    Nhờ ơn Chúa giúp, tư tưởng sốt sắng sinh ra cầu nguyện, yếu tố thứ ba của “lectio divina”. Lời Chúa chuyển từ môi đến tâm trí, và bây giờ đến con tim. “Oratio” hoặc cầu nguyện là lời đáp trả của con tim đối với chúng ta qua Thánh kinh. Trong cơ bản, cầu nguyện theo nghĩa này, ước muốn ân sủng của bản văn cách nhiệt tình đến nỗi cầu xin các ơn cần thiết của Chúa. Ở đây cầu nguyện là tất cả thành phần tâm tình của suy gẫm. Đó là cầu xin, là đàm thoại với những tình cảm yêu mến, là quyết tâm tăng trưởng trong các nhân đức của Chúa Kitô, là thống hối của con tim về tội lỗi của mình, là thinh lặng yêu nhau, là ánh mắt trìu mến, giống như các yếu tố khác của “lectio”, chiều kích tâm tình tăng trưởng và phát triển. Nó tiến đến sự đơn giản và đến một thứ chiêm niệm thủ đắc. Cầu nguyện khát khao Thiên Chúa.

    Contemplatio, Chiêm niệm
    Yếu tố thứ tư là chiêm niệm. Ở đây Thiên Chúa làm cho linh hồn đỡ khát và bớt đói, theo như Guigo II. Thiên Chúa ban cho kẻ suy gẫm một thứ rượu mới và nâng họ lên trên cái ta suy niệm bình thường, đưa vào lãnh vực siêu việt được cảm nghiệm. Cuối cùng đây là một yếu tố nguyện ngắm thiên phú. Ở đây Thánh Linh cầu nguyện trong tâm trí con người. Ta cảm nghiệm một trạng thái hài hoà nội tâm, những chuyển động của xác thịt được lắng xuống, xác thịt không còn kình địch với tinh thần nữa, con người ở trong một trạng thái thống nhất tâm linh. Ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa chiếu toả qua linh hồn cách cảm nghiệm được. Tình yêu Thiên Chúa không còn trừu tượng nữa, nhưng đựơc cụ thể để vào cái ta đang đón nhận. Ta có thể nhìn thấy mình được thương yêu và yêu mến đáp lại. Rõ ràng, ở điểm này, chúng ta đang nói đến một hồng ân nhưng không. Những giây phút này có thể chóng qua hoặc kéo dài, tinh vi hoặc rõ nét. Chúng có thể biến mất và trở lại. Chúng có thể lẫn lộn với các lời suy niệm được lập đi lập lại, những tư tưởng được suy nghĩ, những trực giác được thưởng thức, những quyết tâm được đưa ra. Nhưng người ấy yên tĩnh và thụ động hơn; Thiên Chúa chúng ta đi ngang qua.
    Chúng ta có thể tóm tắt những gì Guigo II nói về bốn yếu tố của “lectio divina” như thế này; việc đọc tìm kiếm, việc suy gẫm tìm thấy (ý nghĩa); việc cầu nguyện xin ơn; chiêm niệm nếm (Thiên Chúa). Hoặc nữa, việc đọc ở trên bề mặt, việc suy gẫm đi vào thực chất bên trong, việc cầu nguyện xin ơn nhờ ước muốn; chiệm niệm cảm nghiệm bằng thích thú.

    II. Cầu nguyện theo lối nhìn mới:
    Thiên Chúa sống trong ta

    Theo ánh mắt tâm linh, Chúa không còn hình tướng như vua chúa cao sang, người cha nhân lành, người bạn thân thương, người tình chí ái….mà Chúa chính là nguồn sống của ta, nguồn sức mạnh của ta, là chủ đích thực cuộc đời ta. Vì thế ta có thể cầu nguyện bằng cảm nghiệm tâm linh và cầu nguyện bằng chính cuộc sống phàm trần này.

    1. Cảm nghiệm sống động
    Trước kia, sau khi rước Chúa, chúng ta đọc kinh Cám ơn Sau khi Rước lễ. Lớn lên một chút, chúng ta biết cảm tạ, xin ơn theo sách đạo đức hướng dẫn. Rồi chúng ta biết tâm sự tỉ tê với Chúa đủ điều … Lớn hơn nữa, ta lên rước Chúa như người máy, về chỗ ngồi, ta tiếp tục để tâm trí bay vởn vơ như cánh bèo trôi dạt trên dòng đời không định hướng.
    Sau khi khám phá ra Ngài, ta không tâm sự, không suy niệm, nhưng ta thường lắng lòng xuống, “nghe” sự sống của Chúa lan toả trong ta. “Cảm” sự sống của Chúa thấm nhập từng tế bào thân thể ta. Toàn thân ta đắm chìm trong Ngài, hoà tan trong Ngài đến nỗi ta không còn là ta nữa, mà chính là Chúa đang hiện diện và sống động trong ta. Ta sung sướng nếm hưởng bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.(Rm 14:17)
    Trong ngày, thỉnh thoảng ta cũng dành vài phút chìm vào trong Ngài – chìm thực sự chứ không phải rước lễ thiêng liêng hình thức như ta đã từng làm, mà chắng cảm nhận được gì - Và đặc biệt là trước khi đi ngủ, ta thường ngồi hoặc nằm thư giãn để nghe và cảm nhận sự sống thần linh của Ngài lan tỏa khắp châu thân rồi từ từ đi vào giấc ngủ bình an.

    2. Cầu nguyện bằng cuộc sống
    Làm sao có thể cầu nguyện liên lỉ được? Quả thực là khó, nhất là khi chúng ta làm việc bằng trí óc thì con trí nào nữa để cầu nguyện? Ngày xưa, linh mục Matthew Phạm Hảo Kỳ - linh hướng chủng viện Thánh Giuse Saigon, nổi tiếng với phương pháp cầu nguyện liên lỉ với câu niệm: Cùng với Mẹ Maria và Thần Linh Đức Kitô, con làm việc này vì yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ở đâu, làm gì, cũng có thể niệm lời nguyện đó một cách chậm chậm. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chúng ta chỉ thực hiện được một thời gian ngắn rồi dường như không thấy kết quả, thế là chúng ta từ từ bỏ quên luôn.
    Mãi cho tới lúc quyết tâm lên đường tìm Chúa, ta bắt đầu áp dụng lại phương pháp cầu nguyện này nhưng với câu niệm khác: Chúa thấm nhập con, con thấm nhập Chúa. Quý vị có thể tìm cho mình một câu nào hợp với mình nhất. Thí dụ như: Chúa sống trong con, con sống trong Chúa; Chúa yêu con, con yêu Chúa…Và con cả trăm lời nguyện khác mà chúng ta có thể sáng chế ra sao cho phù hợp với tâm trạng của mình. Vài tháng đầu, nếu mỗi ngày ta dành ra nửa giờ tới một giờ càng về sau càng tăng lên. Sau một năm, câu tâm niệm thần thánh đó trở thành tiếng khánh vàng leng keng nhè nhẹ dịu dàng thường xuyên thức tỉnh tâm hồn mình với cảm nhận rõ ràng: Chúa đang hiện diện trong tâm hồn và cùng hoạt động với mình trong niềm vui an bình thư thái.
    Tới giai đoạn này, người ta không còn phân biệt một cách rõ ràng dứt khoát giữa nhập thế và xuất thế, giữa làm việc và cầu nguyện. Bởi vì ngay lúc ta nhập thế tức là ta xuất thế, ngay lúc ta làm việc tức là ta cầu nguyện.
    Đây là tâm tình Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17:16).
    Nói cách khác, cả đời ta là một lời cầu nguyện liên lỉ : dù ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, kể cả việc vợ chồng yêu nhau trên giường (tất nhiên là cả 2 vợ chồng đều cùng đi chung một con đường, cùng một lối nhìn và cùng đồng cảm với nhau)… tất cả đều được thực hiện trong tâm tình kết hợp nên một với Chúa. Thánh Phaolô đã viết lại kinh nghiệm này trong Thesalonica 5:10 : Dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người.

    Xin lưu ý:
    Nói thì dễ như húp cháo, nhưng khi thực hành mới thấy chua hơn dấm,
    đặc biệt trong năm đầu tiên. Nhưng càng về sau càng thấm..
    Lời Chúa quả thực là Thần Khí và là Sự Sống. Cảm nhận Chúa hiện diện ngày càng rõ nét, ngày càng sống động hơn. Cho tới một lúc nào đó ta ngộ ra, ta gặp gỡ Ngài. Chính lúc đó ta mới thấm được tâm tình của Gioan:
    Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
    chúng ta sẽ nên giống như Người,
    vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. (1Ga 3:2)
    Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. (Ga 14:21)
    Tất nhiên cuối cùng, đỉnh cao nhất vẫn là cuộc sống hiệp nhất nên MỘT với Chúa…để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha
    để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17:21)
    Tóm lại, tùy trình độ mỗi người, chúng ta cứ cầu nguyện theo cách nào mà ta cảm thấy thoải mái nhất..
    Thỉnh thoảng, chúng ta cũng thử những lối cầu nguyện khác xem sao?
    Biết đâu, nhờ đó mà tình giữa ta với Chúa ngày càng sâu sắc và thân mật hơn.



    Teresa




Về Đầu Trang Go down
 

Cầu nguyên theo lối "XIN CHO"

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
-
free counters