Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Những bài chia sẻ về Cây Nho Sudieptutroi

 

 Những bài chia sẻ về Cây Nho

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Mike Quang
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Mike Quang

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 36
Điểm NHIỆT TÌNH : 93
Ngày tham gia : 27/08/2009
Đến từ : CLCgk

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 7:47 am




    SINH NHIỀU HOA TRÁI

    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt




      Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:

      Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.

      Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.

      Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.

      Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.

      Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.
      Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

      Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.

      Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

      Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.

      KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
      1. Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
      2. Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
      3. Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
      4. Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?

      ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt




    Mike Quang




Về Đầu Trang Go down
Mike Quang
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Mike Quang

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 36
Điểm NHIỆT TÌNH : 93
Ngày tham gia : 27/08/2009
Đến từ : CLCgk

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 7:53 am






    NỖI BẤT HẠNH CỦA CHÚA
    PM. Cao Huy Hoàng
      Hạnh phúc của người làm cha làm mẹ là được nhìn thấy con mình mỗi ngày mỗi lớn, mỗi khỏe mạnh xinh xắn, và càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, cho đến lúc thành người hữu ích cho chính bản thân con, cho gia đình, cho xã hội, cho giáo hội, và đặc biệt là hữu ích cho Nước Thiên Chúa.

      Không dễ gì có được hạnh phúc ấy, nếu cha mẹ không có những hy sinh triền miên, hay đúng là những hy sinh từng ngày và cả đời. Và không chỉ hy sinh mà còn biết kết hợp với lời cầu nguyện và giáo dục con cái cảnh giác trước những nguy cơ hư hỏng trong cuộc dời đầy những chước ma theo chiều hướng hạ.

      Tiếc thay, đã có những cha mẹ trút hết bao hy sinh lớn lao cho con, nhưng vẫn phải nhận lấy nỗi bất hạnh vô cùng vì con mình hư hỏng. Hư hỏng từ suy nghĩ đến nhân cách, từ cách nhìn nhận cuộc đời đến cách thẩm định cái đẹp cái tốt trong cuộc đời, hư hỏng từ trong nhà ra ngoài ngõ…Và hư hỏng lớn nhất là con đã có tín hiệu đi vào con đường vô thần, vô nhân đạo, cô cảm, bất tín bất trung với Chúa, tín hiệu mất linh hồn.

      Nhớ lúc còn nhỏ, cha cầm tay đắt đi lễ, mẹ dạy cho con từng mẫu kinh, và lần chuỗi với Mẹ. Còn nhỏ, mẹ tập cho con thói quen làm Dấu Thánh Giá trên mình dâng mình cho Chúa khi vừa nằm xuống, làm Dấu Thánh Giá trên mình tạ ơn Chúa và dâng ngày cho Chúa khi vừa thức dậy. Bây giờ, con đã có vợ, có nhà cửa, có hai ba mặt con rồi, tối nào cũng lai rai ba xị cho đến lúc say mèm lăn ra ngủ khò, sáng ra, mặt trời xỏ lỗ mũi chưa chịu dậy… Ôi ngày xưa ấy nay còn đâu. Lời khuyên dạy của cha mẹ ngày thơ ấu có còn là lời vàng lời ngọc nữa không, hay chỉ là một mớ lý thuyết suông không giá trị bằng những đồng tiền con kiếm được nhờ những phi vụ bất chính? Hay là không giá trị bằng những trận lãng phí với đời để khẳng định sự trưởng thành của con giữa những người dạy con theo lối bước gian tà của họ? Lúc nhỏ mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa cho con xinh đẹp mặn mà, ủ ấm cho con từng đêm, lo từng viên thuốc ly sữa thìa cháo….Bây giờ, chưa tới tuổi tam thập nhi lập con đã hóa ra ông già nằm ho lụ khụ vì hậu quả của những thói ăn chơi vô độ, nghiện ngập chích choác… Thật vô lý không thể hiểu thấu! Lòng cha mẹ quặn thắt từng cơn đau! Trời ơi! còn bất hạnh nào hơn nữa?

      Thiết nghĩ nếu chúng ta thấu được nỗi bất hạnh của những người làm cha mẹ trên trần gian này, thì càng phải thấu hiểu hơn nỗi bất hạnh của Thiên Chúa, Cha của chúng ta trên trời khi nhìn thấy những đứa con được dựng nên giống hình ảnh ngài đang biến dạng, đang hư hỏng.

      Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tự bạch về thân phận của mình trong dòng chảy cứu độ, trong công trình Vườn Nho của Thiên Chúa:“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1).Chúa Giêsu xác nhận ngài là “Cây Nho Thật” để phân biệt với những cây nho mà Thiên Chúa đã trồng từ thưở tạo thiên lập địa đã hư hỏng.

      Vâng, loài người như những cây nho mà Chúa đã trồng vào trần gian này lúc Ngài hoàn tất công trình sáng tạo. Thiên Chúa là Cha của loài người. Loài người là con cái của Thiên Chúa. Loài người ấy đã hư hỏng vì tội lỗi. Loài người ấy không vâng nghe lời Cha, lại bằng lòng tách lìa tình nghĩa với Cha và rơi vào tình trạng hư hỏng theo tiếng gọi của ma quỷ.

      Cũng vậy, dân riêng của Thiên Chúa như những cây nho Chúa lại trồng: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 79, 9-10)

      Công trình vườn nho, dân riêng, ấy là để chuẩn bị cho công cuộc cứu rỗi, nên đã được nuôi dưỡng bằng những mạc khải, bằng lời Chúa qua miệng các tiên tri, nhưng rồi, cũng hư hỏng vì dân riêng bỏ Chúa mà thờ tà thần, thờ ngẫu tượng, cậy dựa vào thế quyền và làm theo ý thế quyền chống lại Thiên Chúa.

      Còn nỗi đau nào hơn, còn nỗi bất hạnh nào hơn nỗi đau và nỗi bất hạnh của Thiên Chúa là Cha của nhân loại, khi nhìn nhân loại, những cây nho ưu tuyển, những đứa con xinh đẹp của Ngài đã bị phù phép của ma quỷ mê hoặc đến nỗi không chỉ quay lưng lại với Chúa mà còn thờ lạy một thế lực gian tà, mà còn im hơi lặng tiếng mà tiếp tay tiếp sức cho đường lối lọc lừa thêm hưng thịnh, còn đi đêm đi hôm đồng bàn với những đứa sát hại kẻ đồng liêu…Ôi những cây nho con người thời đại bị bơm thuốc tăng trưởng vinh thân phì da cho chóng lớn, cho bóng mượt, làm nở mày nở mặt của ma quỷ và làm lở mày lở mặt của Thiên Chúa là Cha vẫn một mực yêu thương tín thành. Còn bất hạnh nào hơn?! Còn nỗi đau nào hơn?!

      Tội bội phản ấy, tội uốn cong mình, uốn cong công lý, uốn cong sự thật theo thói gian ngoa ấy đáng kinh tởm đến nỗi tiên tri Giêrêmia phải nặng lời ví von chua chát: “…ngươi uốn mình như một con điếm” (Gr 2, 20). Và còn nặng lời hơn khi “con điếm” ấy sinh ra những đứa con ngoại hôn, những đứa con gian tà, những đứa con của ma quỷ, sản phẩm của ma quỷ: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2, 21).

      Vì thế lời kêu xin của những người công chính tha thiết thốt lên: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, từ cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ. Xin bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (TV 79, 15-16

      Và Thiên Chúa Cha đã sai Con Một đến trong trần gian, thăm lại vườn nho cũ, phục hồi vườn nho. “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho”. Chúa Giêsu là Cây Nho Thật mà Thiên Chúa Cha đã trồng trên trần gian này, là Cây Nho Cứu Rỗi, cây nho khởi đầu cho một kỷ nguyên nho tươi tốt, cây nho xóa nỗi bất hạnh của Thiên Chúa Cha và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho Ngài. Ai tin vào Đức Kitô thì được Cứu Rỗi. Ai gắn liền với Đức Kitô như cành nho sống bởi sức sống của Thân Nho thì không bị héo úa, khô gãy, không bị hư hỏng.

      Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cảnh cáo những cành nho gắn liền với thân nho mà không sinh hoa trái, sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Cách gắn liền kiểu lắp ráp công nghệ, hay cách gắn liền trên danh nghĩa, trên căn cước, trên hình thức, trên chức danh mà không vụ, không việc không phải là cách gắn liền của mỗi chúng ta. Bởi theo cách ấy thì chẳng khắc nào gắn liền với thân nho mà sống bằng lương thực của thế gian, ma quỷ, chẳng khác nào một sự cài đặt có chủ ý của thế lực chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ đang trả lương hậu hỷ, thiết đãi sang trọng, đang tạo điều kiện tốt để có cơ ngơi bền vững và kể cả bảo vệ mạng sống an toàn cho ai chịu để nó cài đặt vào thân nho Hội Thánh.
      Nhưng ngược lại, gắn liền với Thân Nho phải là sống chính sức sống của thân nho. Sức sống của Thân Nho là tình yêu cho đi, là hy sinh phục vụ, là dám sống dám chết làm chứng cho sự thật cho công lý, là dám vâng theo lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta, là dám làm theo ý Chúa, dám dùng lương thực của Thiên Chúa Cha ban cho: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Gioan 4, 34)



      Gắn liền với Thân Nho Giêsu còn là bằng lòng chung số phận với thân nho chịu sự cắt tỉa của người trồng nho: chấp nhận sự từ bỏ mình đi, chấp nhận chịu đau đớn với Cây Nho Thật: chịu Đóng Đinh với Chúa Giêsu. Người chịu bỏ mình đi là người chấp nhận sửa sai, cầu tiến, khát khao nên công chính thánh thiện….



      Gắn liền với Thân Nho còn phải bảo toàn sự hiệp nhất trong cùng một thân nho. Hiệp nhất trong ý hướng cùng làm theo ý Cha trên trời. Hiệp nhất trong yêu thương, cảm thông sẻ chia tha thứ. Hiệp nhất trong tình khoan dung…Cành lớn cành bé trong Thân Nho đều có cùng trách nhiệm duy trì và bảo vệ sự hiệp nhất toàn vẹn. Không hẳn những cành nho bé nhỏ hoặc ở dưới thấp là xứng đáng lãnh nhận danh hiệu phá hoại sự hiệp nhất của thân nho, nhưng thiết nghĩ bất cứ cành nào gắn liền với thân nho mà sống bằng bỗng lộc của thế lực gian tà đều xứng đáng đạt danh hiệu phá hoại loại giỏi hoặc khá.



      Nỗi bất hạnh của người làm cha mẹ trên đời này vẫn đang còn chồng chất. Nỗi bất hạnh của Thiên Chúa cũng chưa nguôi!

      Lạy Chúa, nguyện xin cho mỗi chúng con biết kết hiệp cả tâm hồn và thân xác chúng con với Chúa Giêsu, với Lời Chúa, cho chúng con trở nên những cành nho sống động bằng sức sống của Chúa, trong Chúa Giêsu. Xin đừng để chúng con hư hỏng, chất chồng thêm một nỗi bất hạnh cho Ngài. A men.

      PM. Cao Huy Hoàng, 04-5-2012




    Mike Quang




Về Đầu Trang Go down
Mike Quang
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Mike Quang

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 36
Điểm NHIỆT TÌNH : 93
Ngày tham gia : 27/08/2009
Đến từ : CLCgk

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 8:01 am






    [center]“HÃY Ở LẠI TRONG THẦY!”
    Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



      Chúng ta không rõ đây là một giới răn, một lệnh truyền, một lời khuyên nhủ hay một tâm tình thổ lộ… Hãy ở lại trong Thầy!’? Có thể là tất cả các điều đó cùng một lúc, tùy theo góc độ nhận định. Tuy nhiên tầm quan trọng tột cùng của nó là điều không thể chối cãi. Ở lại trong Thầy… Ở lại trong tình thương của Thầy (C. 9) là nền móng của chính tòa nhà thiêng liêng ‘mến Chúa – yêu người’ mà chúng ta đang cố công xây dựng.

      Ngũ Kinh của Cựu Ước ghi chép nhiều giới răn, Mô-sê nhân danh Gia-vê ban hành nhiều lệnh truyền; lập đi lập lại và khá lôn xộn. Trả lời vấn nạn do nhóm Pha-ri-sêu đặt ra: trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?, đức Giê-su đã tóm gọn trong câu giải đáp: Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn…” – mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 34-40). Cái thiếu trầm trọng trong giải đáp này (cũng như toàn bộ các luật lệ của Cựu Ước) là chưa cho thấy một nền tảng, một động lực để giữ các giới răn hay lệnh truyền đó. Phao-lô, đặc biệt trong thư Rô-ma, đã thấy cái giới hạn này (xem chương 2)

      Hãy ở lại trong Thầy… trong tình thương của Thầy chính là cái nền tảng, cái động lực rất cần thiết đó, giờ mới được đức Giê-su, trong tâm tình chí thiết với các môn đệ, bộc lộ cho biết. Và để các môn đệ dễ dàng nắm bắt điều căn bản và tối hệ trọng này, Người dùng hình ảnh rất quen thuộc với người vùng Địa Trung Hải: “Thầy là cây nho, anh em là cành… Cành nào gắn liền với cây mới sinh hoa trái”. Đúng thế, làm sao một người có thể ‘yêu mến Thiên Chúa’ nếu không trước hết ngụp lặn trong chính tình yêu của Thiên Chúa đối với mình? Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu do Ngài chủ động. Con người không thể chủ động được tình yêu đối với Chúa, mà chỉ có thể đáp trả tình yêu nhận được. Ngay trong Cựu Ước, Gia-vê đã là Đấng chủ động biểu lộ lòng thương xót đối với dân riêng. Nhiều lần Ngài giải thoát họ, dẫn dắt và chăm sóc họ… Và để có thể duy trì lòng trung thành với Ngài, hàng năm họ phải long trọng cử hành các biến cố đó (Lễ Vượt Qua là một điển hình). Trong Tâu Ước, Thiên Chúa không những chủ động mà còn cụ thể hóa tình yêu của Ngài nơi con người đức Giê-su Ki-tô, nhất là qua cái chết tự hiến trên thập giá. Thập giá, xét như một biến cố, cần phải được thường xuyên tưởng niệm và cử hành, “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy(Lc 22,19). Nhưng toàn diện con người và cuộc sống Đức Ki-tô thể hiện tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa, và việc thể hiện này kéo dài liên tục cho đến muôn đời. Biến cố Phục Sinh cho thấy, trong tình yêu, Người ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế(Mt 28,20). Như thế chỉ đôi khi tưởng nhớ thôi chắc chắn là không đủ. Ở lại trong Thầy… Ở lại trong tình thương của Thầy không ngơi nghỉ và ngày càng sâu hơn, đó mới là nền tảng đích thực của toàn bộ cuộc sống Ki-tô hữu, Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em! Tùy thuộc và tỷ lệ thuận với việc ‘ở lại’ này mà người Ki-tô hữu mới dần dần học biết phải yêu mến Thiên Chúa như thế nào cho phải lẽ, và phải yêu mến tha nhân ra làm sao, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (c. 12) Trong lãnh vực này đúng là không có Thầy, anh em chẳng làm được gì!

      Thế đó, cũng như biết bao tu sĩ và Ki-tô hữu khác, thường thì tôi đã cố công, nỗ lực rất nhiều để xây dựng cho mình có được một tình mến lớn hơn đối với Chúa và tha nhân. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy, kết quả cụ thể chẳng đi đến đâu. Cái mà tôi còn thiếu, chính là đã rất ít khi cất công hoặc dành thời giờ đề chiêm ngắm, đi sâu vào, và ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa đối với tôi. Cứ thử xem lại các lần đi xưng tội, đã mấy khi tôi dành thời giờ sau lúc xét mình để say sửa chiêm ngắm tình yêu tha thứ vĩ đại của Thiên Chúa cứu độ, hay chỉ chu chu chắm chắm quyết tâm sửa mình để có thể đạt được tiến bộ trong lý tưởng mến Chúa yêu người? Đối tượng nguyện gẫm của tôi gồm đủ mọi thứ cao đẹp trên trời dưới đất, nhưng chiêm ngắm tình yêu Chúa, và ở lại trong tình yêu đó, quả thực còn quá hiếm hoi. Cụ thể tôi có thâm tín: ở lại trong tình thương của Thầy là thiết yếu (a must) đối với đời Ki-tô hữu của tôi chưa?

      Lạy Chúa, tâm tình của Chúa tha thiết biết bao khi kêu gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy… Ở lại trong tình thương của Thầy”. Qua những lời này, Chúa mách nước cho con để thắng được trong ván cờ xây dựng tình yêu. Xin nhắc con đừng bao giờ quên nước đi kỳ diệu này, nhất là những khi nhận thấy mình tội lỗi, tức là khi tình mến Chúa và yêu người nơi con thấp kém nhất. Xin cho con biết cử hành Thánh Lễ với tâm tình chiêm ngưỡng sâu xa hơn, và tích cực kéo dài trong cuộc sống. Amen





      [right]Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



    Mike Quang




Về Đầu Trang Go down
Mike Quang
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Cấp bậc: HỌC VIỆN
Mike Quang

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 36
Điểm NHIỆT TÌNH : 93
Ngày tham gia : 27/08/2009
Đến từ : CLCgk

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 8:07 am




    THOÁI HOÁ LÀM MẤT PHẨM CHẤT
    Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
      Ngày nay người ta đang nói nhiều về sự thoái hoá đạo đức của một số phần tử trong xã hội. Họ tự đánh mất căn tính của mình. Họ không còn giữ được phẩm chất của chính mình. Sự thoái hoá đã làm cho họ biến chất từ tốt ra xấu. Từ thanh sạch ra dơ bẩn. Từ hữu dụng ra vô dụng. Sự thoái hoá đạo đức có thể đến với bất cứ ai. Và cũng có thể làm băng hoại đủ mọi thành phần, cho dù là hàng trí thức hay dân hèn, một khi đã bị thoái hoá là họ không còn khả năng phân biệt tốt xấu. Họ đã đánh mất căn tính con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Sự thoái hoá có mặt trong mọi ngành nghề, trong mọi cấp bậc. Sự thoái hoá làm mất đi đạo đức nghề nghiệp, mất đi lương tâm trong sang đến độ chỉ còn lại những tham sân si vô độ.

      Nhìn vào những gì đang diễn ra khiến chúng ta không thể không đau lòng trước những hiện tượng thoái hoá đạo đức và nhân cách của con người hôm nay như: cô giáo hành hung và xúc phạm học trò; Thầy giáo giở trò đồi bại với học sinh; học trò đánh thầy giáo, mẹ đánh chết con ruột, cháu nội hành hạ bà nội cho đến chết. Tại sao lại có những chuyện phi nhân thất đức như vậy? Văn hoá đạo hiếu Việt Nam có còn giá trị hay đã bị tha hoá bởi đời sống vô tâm của con người hôm nay?

      Có một câu chuyện ngày xưa kể rằng: một lần vua Nước Bắc muốn làm nhục sứ giả Nước Nam qua triều cống. Ông đã bắt một người dân Nước Nam vừa ăn trộm ra trước mặt sứ giả để làm nhục. Vua Nước Bắc bảo rằng: “Phải chăng người Nước Nam hay ăn trộm?”. Sứ giả Nước Nam khiêm tốn trả lời: “Thưa bệ hạ! Cây táo trồng ở Nước Nam thì ngọt nhưng khi mang qua Nước Bắc trồng thì quả lại chua. Phải chăng người này ở Nước Nam thì tốt nhưng khi qua Đất Bắc đã biến chất rồi chăng?”

      Nhìn lại phận người chúng ta đôi khi cũng giống như Cây Táo được trồng ở Đất Bắc. Con người là hình ảnh Thiên Chúa đôi khi cũng bị biến chất khi trồng vào thế gian. Con người cũng bị những thói đời sa đoạ làm băng hoại tâm hồn. Con người cũng bị những đam mê của danh lợi thú làm huỷ hoại danh giá, nhân phẩm của chính mình. Con người dễ bị đánh mất căn tính của mình là “nhân linh hơn vạn vật”. Con người dễ bị bị thoái hoá bởi tưởng mình chỉ là một loài vật: sinh ra – lớn lên – rồi chết nên cứ việc lao vào những cuộc truy hoan trác táng, những thói đời hưởng thụ tầm thường.

      Các tiên tri thời Cựu ước đã từng tiếc nuối cho dân tộc Israel là “vườn nho của Chúa” đã bị biến chất. Tiên tri Isaia đã thất vọng vì vườn nho nhà Israel đã bị hoang tàn. Tiên tri Giê-rê-mi-a đau buồn vì dân tộc ông đã “biến thành một cây nho lạ, thoái hoá thành một cây khác”. Còn Ô-sê thì kêu lên trong đau đớn: “ Israel là một cây nho trơ trụi”. Tất cả những từ ngữ đó đều diễn tả một đời sống thoái hoá đạo đức của một số phần tử Do Thái. Họ đã không sống theo đường lối Chúa. Họ đã thờ ngẫu tượng. Họ sống hình thức dẫn đến giả hình, giả dối. Họ bị men biệt phái kiêu căng làm biến chất. Họ thờ Thiên Chúa trên môi miệng nhưng thực chất họ đã xa lìa Chúa từ trong tâm hồn.

      Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kín múc nguồn sống đích thực từ Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy để cho sự sống của Chúa tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta. Hãy sống gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa như cành liền cây để có thể sinh hoa kết trái là những việc lành phúc đức. Hãy ở lại trong Chúa để hiểu rằng con người chúng ta có một phẩm giá vô cùng cao quý là “giống với thần linh, là hình ảnh Thiên Chúa”. Hãy biết gìn giữ phẩm giá cao quý ấy bằng việc chế ngự những đam mê tội lỗi, những thói đời truỵ lạc. Hãy làm chủ hành vi của mình bằng việc: biết sống theo lẽ phải, biết thể hiện phẩm giá của mình là tạo vật biết thiện và ác, thế nên phải biết làm điều thiện và tránh điều ác. Hãy bám vào Thiên Chúa hơn là bám vào những phù vân mau qua đời này. Hãy khiêm tốn cúi mình thờ lạy Chúa hơn là thờ lạy tạo vật. Hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn là vì tiền, vì tình, vì quyền mà sống thấp hèn. Hãy nhớ rằng: trần gian là tạm bợ. Thiên đàng mới là vĩnh cửu. Đừng vì những vinh hoa phú quý phù hoa này mà xa lìa Thiên Chúa. Xa lìa Thiên Chúa như cành lìa cây sẽ bị thoái hoá và héo khô.

      Nguyện xin Chúa Giê-su Phục sinh luôn ở lại trong cuộc đời chúng ta để dẵn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Xin cho nguồn thánh ân Chúa tưới gội tâm hồn chúng ta mãi thanh sạch xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Amen






      [right]Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



    Mike Quang




Về Đầu Trang Go down
TranNam
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 355
Điểm NHIỆT TÌNH : 581
Ngày tham gia : 22/08/2009
Đến từ : HaNoi
Tâm trang : Rối bời

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 8:13 am






    Ở LẠI VỚI CHÚA
    ĐỂ ĐƯỢC SỐNG VÀ SINH HOA KẾT QUẢ DỒI DÀO


    Lm. Inhaxiô Trần Ngà


      Từ lâu nay có những cá voi, khi thì một vài con, khi thì cả đàn lên đến bảy, tám chục con, không biết vì lý do gì lại từ bỏ đại dương như lòng mẹ hằng đùm bọc ấp ủ chúng để bơi ngược vào bờ rồi trườn mình lên bãi nằm chờ chết. Những tổ chức bảo tồn sinh vật biển nỗ lực cứu mạng chúng, dùng những chiếc tàu kéo đưa chúng ra khơi, trả chúng về với lòng mẹ đại dương, nhưng rồi sau đó chúng lại bơi vào bờ, trườn mình lên bờ để rồi nằm chết thối trên cạn. Đó là những cái chết tự chọn thật khó hiểu và có vẻ điên rồ!

      Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tha thiết mời gọi chúng ta ở lại trong đại dương tình yêu sâu thẳm của Người, đừng lìa bỏ Người như cá lìa nước, nhưng hãy ở lại với Người để khỏi phải chết như những chú cá voi rồ dại trên đây, nhưng được sống dồi dào sung mãn.
      Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn gọn (Gioan 15, 1-8 ), Chúa Giêsu đã lặp lại cụm từ “ở lại” đến tám lần như những lời mời gọi liên lỉ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.”

      Tách lìa Chúa thì phải hư vong
      Như những chú cá voi tách rời lòng mẹ đại dương hằng bao bọc, chở che, nuôi sống chúng để bơi vào bờ rồi phải giẫy chết trên cạn; như những cành nho lìa thân để rồi phải ủ rũ héo tàn và sẽ bị đem đi thiêu đốt, số phận những ai không ở lại với Chúa Giê-su thì cũng vậy. Chúa Giê-su cảnh báo: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Gioan 15, 6)

      Ở lại với Chúa thì được sống sung mãn dồi dào
      Chúa Giêsu còn tha thiết kêu mời chúng ta ở lại trong Người như cành nho liên kết khắng khít với thân nho, để được nhận lãnh dồi dào sức sống Người ban và được sinh nhiều hoa trái: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15, 4-5)

      Ở lại với Chúa Giêsu bằng cách nào?
      Chúa Giêsu cho ta câu đáp: đó là tuân giữ lệnh Người truyền:“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Gioan 15, 10) và các điều răn ấy đã được Chúa Giê-su tóm gọn trong quy luật yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 15, 12)

      Thế là hôm nay, Chúa Giê-su đã tỏ cho chúng ta biết bí quyết tuyệt vời: Ai yêu thương tha nhân thì người ấy đang ở lại trong Chúa, đang được kết hợp với Chúa như cành liền cây; nhờ đó, người ấy sẽ nhận được sung mãn “nhựa sống” Chúa ban và được sinh hoa kết quả dồi dào.

      Trái lại, ai không yêu thương tha nhân là tự tách lìa mình khỏi “Thân Nho Giêsu” và hậu quả là phải tàn lụi muôn đời.

      Lạy Chúa Giê-su,
      Xin thương ban ơn phù trợ, giúp chúng con luôn tuân giữ những điều Chúa dạy, đặc biệt là giới luật yêu thương, để được ở lại với Chúa luôn mãi, nhờ đó chúng con sẽ được sống dồi dào và trổ sinh nhiều hoa trái đẹp tươi. Amen.



      [right]Lm. Inhaxiô Trần Ngà




    TranNam




Về Đầu Trang Go down
TranNam
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 355
Điểm NHIỆT TÌNH : 581
Ngày tham gia : 22/08/2009
Đến từ : HaNoi
Tâm trang : Rối bời

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 8:17 am




    [center]CÂY NHO THẬT
    JKN


      Câu hỏi gợi ý:
      1. Câu “cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi” nghĩa là gì? Tại sao gắn liền với Đức Giêsu mà lại không sinh hoa trái? Câu này ám chỉ loại người nào?
      2. Câu “cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” nghĩa là gì? Chữ “cắt tỉa” ở đây ám chỉ điều gì? Tại sao lại phải “cắt tỉa”?
      3. Từ ngữ “ở lại trong” và “gắn liền với” Đức Giêsu phải được thể hiện thế nào trong đời sống của ta?

      Suy tư gợi ý:
      1. «Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi»
      Đức Giêsu tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Đức Giêsu đưa ra trường hợp này: có những cành nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này, cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho.

      Nói đến trường hợp này, người Kitô hữu không khỏi nghĩ về bản thân mình, liệu đó có phải là trường hợp của mình không? Vì người Kitô hữu là người gắn liền với Đức Giêsu, nhưng quả thật có rất nhiều Kitô hữu suốt bao năm trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào! Biết bao Kitô hữu theo Đức Giêsu từ nhỏ tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào! Nhiều người còn tệ hơn cả những người ngoại loại ấy nữa! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không tình nghĩa, v.v… Tương tự, có biết bao linh mục, tu sĩ, mang danh theo Chúa hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao nhiêu, đôi khi còn tệ hơn! Sách Khải Huyền nói về hạng người này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16).

      Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn. Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23; 33,11; x.33,19).

      2. “Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”
      Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Nếu người Kitô hữu là cành nho, Đức Giêsu là cây nho, Thiên Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải “tỉa cành” để người Kitô hữu “sinh nhiều hoa trái” hơn. Người Kitô hữu “sinh nhiều hoa trái” là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh (mến Chúa yêu người ngày càng nhiều hơn). Và Chúa Cha “tỉa cành” là giúp người Kitô hữu bỏ bớt những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh. Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Kitô hữu ấy bị thiệt thòi mất mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần, hoặc cho người ấy trải qua những đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu hiệu.

      Chính Đức Giêsu, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha “tỉa cành” cho Ngài. Thánh Phaolô nói về điều ấy: “Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, nhờ chịu gian khổ mà Đức Giêsu trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. Tin Mừng cũng nói:“Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Ngài: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13). “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1Pr 5,10).

      Đọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào cũng đều có kinh nghiệm được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, thánh Têrêxa Avila đã bị Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: “Chúa đối xử với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải!”. “Chúa ít bạn là phải!” vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn hảo là điều rất quí giá: những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ. Thánh Phaolô viết: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!” (Rm 8,18). Thánh Phêrô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến” (1Pr 3,14). Vua Đavít cũng nhận ra ích lợi của đau khổ đối với sự thánh thiện: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 119,71).

      Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng những làm cho mình nên công chính, mà còn làm cho những người khác nên thánh thiện nữa: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ” (Is 53,11). Như vậy, tự nguyện chấp nhận đau khổ (chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền, mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan…) vì tha nhân là một hành vi bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác.

      3. “Gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Giêsu là gì?
      Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ “ở lại trong”“gắn liền với” Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để “sinh hoa trái” hay “sinh nhiều hoa trái”. Chẳng hạn câu: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”. Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự “ở lại trong”“gắn liền với” Đức Giêsu chưa? - Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, “ở lại trong”“gắn liền với” Đức Giêsu. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.

      Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu “hữu danh vô thực”. Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.

      Tình trạng “ở lại trong”“gắn liền với” Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:
      · ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: “Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…” (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.
      · tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)
      · hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.

      Khi luôn luôn “gắn liền với” hay “ở lại trong” Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.

      Cầu nguyện
      Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của muôn loài vạn vật. Con muốn kết hiệp với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha.


      JKN




    TranNam




Về Đầu Trang Go down
TranNam
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 355
Điểm NHIỆT TÌNH : 581
Ngày tham gia : 22/08/2009
Đến từ : HaNoi
Tâm trang : Rối bời

Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho EmptySat May 05, 2012 8:23 am




    CÂY NHO THẬT
    AM Trần Bình An
      Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời dòng họ Maccabe, thế kỷ II, trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, sau này vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa vào Đến Thờ, một cây nho bằng vàng.
      Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà trước đây Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10) Nhưng Israel đã đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa với Thiên Chúa. “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2:21)

      Thầy là cây nho thật.
      Vì thế, Đức Ki tô muốn xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, hay biến đổi gien kia, bằng cách công bố, chính Người chính mới là cây nho thuần chủng, thuần giống, nguyên mẫu do chính Thiên Chúa trồng cấy. Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (Ga 15, 1) Đồng thời mời gọi nhân loại tái sinh, trở về cội nguồn giống tốt, nguyên thủy, nhân chi sơ, tính bản thiện.“Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không tái sinh bới nước và Thần khí” (Ga 3, 5).

      Anh em là cành

      Thật bất ngờ, Đức Kitô không hề phân biệt đâu là cành chính, đâu là cành phụ, hoặc ai là nhánh cái, ai là nhánh con. Dưới mắt Người, nhân phẩm mọi người đều bình đẳng, đồng hạng và giá trị ngang nhau, không hơn, không kém. Có khác chăng, chính là mức độ kếp hợp mật thiết với Người như thế nào mới đáng kể.
      Từ khi Adam và Eva ăn trái cây biết lành biết dữ, con người bắt đầu vướng vào cái tâm phận biệt. Chính cái tâm phân biệt này tạo ra lắm phiền muộn, nghiệp chướng, đánh mất tình người, tình huynh đệ tương thân, tương ái. Chẳng hạn khi con người trầm luân vào vòng cương tỏa của cái thiện, cái ác, hơn thiệt, tốt xấu, của giai cấp cao thấp, mới phát sinh ra thái độ vô minh, khen chê, cái thói nịnh trên, nạt dưới, trọng phú, khinh bần, bon chen, chà đạp, hãm hại lẫn nhau, coi nhau như thù địch, như bậc thang leo lên danh lợi…

      May thay, Người quá đỗi thương yêu nhân loại, đã kịp thời đến giải thoát con người khỏi cái tâm hư đó, cùng ban tặng lại tình người, tình huynh đệ, một khi cành nào biết kết hợp chặt chẽ vào cây nho thật là Người. Nguyện ước của Người là tái lập lại quan hệ song phương hỗ tương hiệu quả.
      Chúa luôn hiện diện trong đời sống từng người, từ khi người ta nhận bí tích Thánh Tẩy. Nhưng con người lại không phải luôn luôn ở trong Người, mà có khi ở trong người khác, hay của cải, danh lợi, ham muốn, dục vọng, nên từ chối hợp nhất với Người, như cành nho chối bỏ dưỡng chất cần thiết để sinh trưởng, nên sẽ bị đào thải, bị đốn đi, quăng vào lò lửa. “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi.”(Ga 15, 2)

      Chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái
      Cây nho luôn được tận tình chăm sóc tỉa cành. Trong ba năm đầu người trồng không cho đơm bông kết trái, mà còn tỉa thật sạch để cây nho phát triển và giữ được sức sống mạnh mẽ. Nếu không được cắt tỉa thật kỹ cây nho sẽ không cho trái nhiều.
      Thảo vật còn phải chịu hy sinh như thế, huống hồ con người, tạo vật cao cấp, muốn trở nên tốt lành, đạo hạnh, hầu xứng đáng kết hợp vói Đấng Tối Cao. Ngoài tuân giữ lề luật, còn phải dứt khoát với những thói kiêu căng, tự phụ, khoe khoang, màu mè, phù phiếm, như cây nho phải chịu đau đớn bấm ngọn, tỉa chồi khỏi lãng phí nhựa, mới sinh nhiều hoa trái. “Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15, 2)

      Lời Thầy ở lại trong anh em
      Khi liên kết với nguồn mạch sự sống, con người được Lời Chúa hướng dẫn soi đường.“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119, 105). Lời Chúa chính là mối liên kết chặt chẽ giữa cành và với thân cây nho, điều hoa sức sống, mạch nhựa nuôi dưỡng toàn thân, đem lại phong phú kết quả. Lời Chúa tỉa gọt, mài dũa, chấn chỉnh tâm hồn con người trở nên trong sáng, hoàn thiện, phù hợp với sự sống vĩnh cửu. Khi thật sự sống Lời Chúa, cùng liên lỷ cầu nguyện, thì con người mới có thể trổ hoa kết trái nhiều.

      Và anh em trở thành môn đệ của Thầy
      Nguyện ước của Người chẳng viển vông, mà rất thực tế và hữu ích cho con người, là trở nên đồng hình đồng dạng với Người, kết hiệp mật thiết với Người, chịu hy sinh thử thách và quên mình như Người, để cho Danh Cha cả sáng, qua vai trò chứng nhân Tình Yêu, phục vụ tha nhân và mở mang Nước Chúa.“Ai muốn làn môn đệ Ta, phải bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”(Mt 16, 24)

      Lạy Chúa, xin cho con sống niềm tin vững vàng, cùng thể hiện niềm tin ấy qua cuộc sống liên kết thân hữu với mọi người, biết hy sinh bản thân, từ bỏ những phù phiếm trần tục, để có thể gặt hái nhiều hoa thơm, trái ngọt dâng lên Chúa.
      Lạy Mẹ Mân Côi, xin luôn giữ gìn con sống trong ân sủng của Chúa, để con khỏi bị cắt bỏ, và quăng vào ngọn lửa đời đời. Amen.


      AM Trần Bình An



    TranNam




Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Những bài chia sẻ về Cây Nho Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Những bài chia sẻ về Cây Nho   Những bài chia sẻ về Cây Nho Empty







    Sponsored content




Về Đầu Trang Go down
 

Những bài chia sẻ về Cây Nho

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: 
SỐNG LỜI CHÚA
-
free counters